Chốt phiên cuối tuần, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.213 đồng/USD, giảm 8 đồng so với cuối tuần trước đó. Tuy nhiên, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại trong tuần qua chỉ giảm nhẹ, thậm chí đứng yên. Chẳng hạn tại Vietcombank, giá USD vẫn được giao dịch ở mức 23.060 – 23.270 đồng/USD; Eximbank giảm 10 đồng so với cuối tuần trước đó còn 23.080 – 23.250 đồng/USD; Vietinbank cũng giảm 4 đồng xuống còn 23.080 – 23.263 đồng/USD... Trên thị trường tự do, giá USD hầu như không thay đổi sau một tuần khi giao dịch ở mức 23.160 – 23.190 đồng/USD.
Trong khi đó, giá euro vẫn tiếp tục tăng và giá bán đã vượt 28.000 đồng/euro. Cụ thể, ngân hàng Vietcombank niêm yết giá mua - bán là 26.810 - 28.177 đồng/euro, tăng thêm lần lượt 571 – 601 đồng so với cuối tuần trước đó. Hay Eximbank cũng cộng thêm 551 – 560 đồng lên 27.198 – 27.669 đồng/euro... Đồng euro trên thị trường tự do cũng tăng 320 đồng cho chiều mua vào lên 27.250 đồng/euro và tăng 420 đồng ở chiều bán ra lên 27.450 đồng/euro.
Chỉ số USD-Index đã rơi xuống mức thấp nhất của hơn hai năm. Tổng cộng cả tháng 7, chỉ số này đã giảm hơn 4%, đánh dấu mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 9.2010. Ông Daisuke Uno, Chiến lược gia trưởng tại Ngân hàng Sumitomo Mitsui, cho biết nguyên nhân chính cho sự yếu kém của đồng USD là sự gia tăng liên tục các trường hợp nhiễm Covid-19 tại Mỹ từ giữa tháng 6 khiến tiêu dùng hạn chế và nền kinh tế xuống dốc. Điều này khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới lao dốc với dữ liệu GDP quý 2/2020 giảm 32,9%.
Đồng USD đã giảm mạnh so với nhiều đồng tiền khác trên thị trường quốc tế. Như đồng euro giao dịch ở mức 1,1886 USD/euro, tăng gần 2% so với giá đóng cửa cuối tuần trước đó; đồng yen được giao dịch ở mức 1 USD đổi được 104,195 yen sau một thời gian dài vẫn duy trì ở mức 1 USD đổi 107 yen. Thậm chí theo Reuters, trong ngày 31.7, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho rằng sự tăng giá gần đây của đồng yen là “quá nhanh” và ông đang theo dõi sát sao diễn biến này. Điều đó báo hiệu mối lo ngại rằng một đồng nội tệ mạnh có thể gây thêm “đau đớn” cho nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu và đã chìm trong suy thoái vì dịch Covid-19. Sự tăng giá của đồng yen trong thời gian này cũng dẫn đến những đồn đoán về khả năng giới chức Nhật Bản sẽ có các biện pháp can thiệp. Lần gần nhất Tokyo can thiệp vào thị trường tiền tệ là năm 2011, khi nước này phải bán đồng yen để ngăn đồng tiền mạnh lên...
Bình luận (0)