Giá vẫn 'tăng rồi, khó giảm'

Nguyên Nga
Nguyên Nga
01/08/2022 04:21 GMT+7

Hôm nay (1.8), dự báo giá xăng dầu tiếp tục giảm, nhưng câu hỏi lớn hơn là liệu hàng hóa, đặc biệt nhu yếu phẩm hằng ngày có tiếp tục ca bài “đã tăng rồi, khó giảm lắm” nữa hay không.

Đã tăng, khó quay lại như giá cũ?

Sáng cuối tuần (31.7), khảo sát tại một số chợ dân sinh khu vực TP.HCM cho thấy, giá cả đa số các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm… hằng ngày chưa có dấu hiệu “tụt” xuống sau khi đã leo lên “ngồi chễm chệ” trên cao từ vài tháng qua.

Cụ thể, giá thịt heo bình ổn của G-Kitchen từ mức 90.000 - 219.000 đồng/kg từ đầu năm đến tháng 5 năm nay, sang tháng 6 tăng lên 95.000 - 228.000 đồng/kg và giữ nguyên giá đó đến nay. Giá thịt heo bán lẻ tại chợ Bàu Cát (Q.Tân Bình) từ 80.000 - 180.000 đồng/kg, hơn 1 tháng qua, tăng lên 85.000 - 195.000 đồng/kg và đến hôm qua (31.7) vẫn thế. Cho dù trong tháng 7, giá xăng giảm gần 7.000 đồng/lít, giá heo hơi giảm từ 1.000 - 7.000 đồng/kg thì tại chợ Bình Thới (Q.11, TP.HCM), giá rau củ tăng mạnh từ tháng 6 đến nay vẫn neo cao với xà lách Đà Lạt 65.000 đồng/kg, khổ qua 40.000 đồng/kg, cà chua Đà Lạt từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, cải ngọt 45.000 đồng/kg… Mức giá rau củ này tăng từ 10 - 20% trong vòng 2 tháng qua.

Giá nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu chưa có dấu hiệu giảm

khả hòa

Dự báo giá xăng trong nước giảm lần thứ tư liên tiếp?

Lý giải cho việc giá cả thực phẩm hằng ngày không giảm, đa số tiểu thương đều cho rằng, giá mua từ đầu mối không giảm. Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ vựa chuyên cung cấp thủy hải sản tại chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM), phân trần giá cá về chợ chỉ giảm khi “ngộp chợ”, hàng về nhiều không bán hết. Chẳng hạn, tôm sú bị chết ngộp ngày thường bán giá 220.000 đồng/kg, hôm nay về dội chợ, bán giá 200.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cá điêu hồng giá sỉ bán quanh năm ổn định từ 37.000 - 38.000 đồng/kg, từ tháng 3 đến nay, chủ hàng báo giá đầu vào tăng, giá xăng dầu tăng… nên lên giá 45.000 đồng/kg, tăng gần 20%, và giữ luôn mức đó cho đến nay. “Cước xe tải đường dài vẫn chưa giảm, thậm chí tăng trong tháng 7 này. Cụ thể, hàng rau củ mua từ Đà Lạt xuất sang Thái Lan bán theo đường tiểu ngạch, xe tải chở hàng 1 chuyến trước đây là 118 triệu đồng, trong tháng 7, nhà xe tăng lên 135 triệu đồng (tăng 17 triệu), tương đương tăng 15% và thông báo không giảm trong tháng 8. Cước không giảm thì o ép lắm có thể đầu mối giảm cho vài ngàn một sản phẩm. Nhìn chung giá cả hàng hóa đã tăng, rất khó quay lại như ban đầu cho dù giá đầu vào có giảm”, ông Hùng nói.

Không chỉ với hàng tươi sống, nhiều mặt hàng gia vị được sản xuất trong nước tăng 2 lần từ tháng 10.2021 đến nay, đều không có dấu hiệu giảm. Cụ thể, giá dầu ăn Simply tăng từ 65.000 đồng/lít lên 73.000 đồng/lít, mì gói các loại tăng khoảng 15.000 đồng/thùng. Riêng giá đường tăng liên tục từ tháng 10.2021 đến nay lên 30%. Chủ cơ sở sản xuất bánh ngọt tại Q.Tân Bình cho hay, từ trước khi bùng phát đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 trong năm 2021, cơ sở mua đường cát trắng giá sỉ 850.000 đồng/bao 50 kg, từ tháng 10.2021, thời điểm TP.HCM mở cửa nền kinh tế trở lại, đường vọt lên 950.000 đồng/bao, rồi lên 1 triệu đồng/bao trong mùa tết. Từ tháng 4 năm nay, cơ sở mua 1,15 triệu đồng/bao. Tổng mức tăng giá với mặt hàng đường khoảng 30% trong vòng 9 tháng qua. Mặt hàng này chưa hề điều chỉnh giảm.

Phải có biện pháp cứng rắn với hành vi “neo” giá cao

Trước tình hình giá nhiên liệu giảm mạnh, giá hàng hóa neo cao, Bộ trưởng Bộ Công thương mới đây có công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường, các cục quản lý thị trường địa phương yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội. Trong đó, có nội dung: yêu cầu các địa phương tìm hiểu, có hướng đề xuất xử lý với biến động bất thường về giá cả, cung cầu những mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, trang thiết bị y tế…). Xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính. Bên cạnh đó là tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu “nhận thức đúng và tích cực tham gia bình ổn giá tại các địa phương”…

Xăng dầu trong nước có thể giảm tiếp trong chiều nay

Theo quy định, từ 15 giờ hôm nay (1.8), liên Bộ Công thương - Tài chính sẽ cho điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước. Thông tin thị trường giá xăng dầu nhập khẩu cập nhật đến ngày 29.7 cho thấy, giá xăng E5 RON 92 là 115,35 USD/thùng, xăng RON 95-III ở mức 119,98 USD/thùng, dầu diesel ở mức 134,86 USD/thùng. Theo đó, dự tính giá bán lẻ xăng E5 RON 92 ngày 1.8 sẽ giảm khoảng 210 đồng/lít, xăng RON 95-III giảm 340 đồng/lít và dầu diesel giảm khoảng 850 đồng/lít. Mức giảm này chưa tính trích/chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Như vậy, xăng dầu trong nước có thể giảm tiếp trong chiều nay - lần giảm thứ 4 liên tiếp.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, bức xúc khi giá vận tải của các hãng taxi, xe công nghệ, xe chở hàng từ các tỉnh về TP.HCM theo phản ánh là chưa thấy hạ nhiệt. Sự “chây ỳ” giảm giá cước, khiến giá hàng hóa nói chung khó giảm. “Ngày 11.7, giá xăng giảm hơn 3.000 đồng/lít, các hãng taxi nói giá cước thường có độ trễ, chờ thêm thời gian, 10 ngày sau. Đến 21.7, xăng giảm tiếp 3.600 đồng, mấy “ông” vận tải lại tiếp tục nói về độ trễ. Như vậy có hợp lý không?”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân dẫn chứng và nhấn mạnh, muốn giá hàng hóa giảm, trước mắt, giá cước vận tải phải giảm đồng loạt và có chiến dịch rõ ràng, chứ không phải giảm theo kiểu chủ nhà xe này giảm 5.000 đồng, chủ nhà xe kia giảm 10.000 đồng. “Các hãng taxi tính toán nếu giá xăng giảm 10%, giá cước có thể giảm 500 đồng/km. Nay xăng giảm hơn 20% rồi, cước taxi chở người, cước chở hàng hóa vẫn đứng yên là sao? Theo tôi, giá hàng hóa, vận tải… cho đến lúc này không thể ca bài ca “độ trễ” hay nghe ngóng nữa, phải giảm ngay thôi”, ông Ngân nói.

Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, hàng hóa buôn bán tại chợ truyền thống đang bị thả nổi, không ai quản lý và không thể quản lý do việc mua bán là thỏa thuận giữa hai bên. Muốn bình ổn giá sớm, cơ quan quản lý phải chọn ngay những mặt hàng thiết yếu, có những biện pháp cấp bách như áp giá trần… Mức giá trần là “chiếc gậy” để chúng ta kiểm soát giá, nhất là những mặt hàng đột biến mạnh, đột biến một cách vô lý. Giá trần ở đây phải được áp dụng một cách linh hoạt tại thời điểm nhất định chứ không đặt trần mãi. Chúng ta vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường nhưng phải có sự quản lý của nhà nước. Luật Giá cho phép khi giá tăng đột biến và vô lý thì nhà nước có quyền yêu cầu kê khai, can thiệp. Ngoài chợ truyền thống, các hệ thống bán lẻ hiện đại, siêu thị cũng cần kê khai giá đầu vào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.