Giá vàng miếng SJC giảm 200.000 đồng mỗi lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào còn 71,8 triệu đồng, bán ra 74,3 triệu đồng; Eximbank mua vào 71,5 triệu đồng, bán ra 74 triệu đồng; Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng mua vào 72 triệu đồng, bán ra 74 triệu đồng…
Giá mua vào của các đơn vị có xu hướng giảm nhanh hơn bán ra, điều này giúp khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và bán vàng đã được rút ngắn từ 2 - 2,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới 14 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn cao hơn 3,1 triệu đồng/lượng. Công ty SJC mua vào vàng nhẫn với giá 61,9 triệu đồng, bán ra 63,1 triệu đồng/lượng.
Biến động vàng ngày 11.1: Chênh lệch giá mua - bán ‘hạ nhiệt' còn 2,5 triệu đồng
Trên thị trường quốc tế, giá kim loại quý đã sụt giảm 8 USD/ounce, xuống còn 2.028 USD/ounce. Quỹ đầu tư vàng lớn thế giới SPDR bán ra 4,6 tấn vàng, lượng vàng nắm giữ còn 864,99 tấn.
Các nhà giao dịch đang chờ đợi các dữ liệu trong tuần của Mỹ như báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 và báo cáo chỉ số giá sản xuất tháng 12. Báo cáo CPI được cho là tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái so với mức tăng 3,1% của tháng 11. Nếu các con số được công bố như mong đợi, các nhà giao dịch nhận định Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ sớm hơn.
Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng ở Trung Đông bao gồm các cuộc tấn công nhằm vào các tàu vận tải ở Biển Đỏ, một trong những tuyến đường vận chuyển chính của thế giới khiến chi phí và thời gian giao hàng tăng mạnh. Các nhà nhập khẩu phải đối mặt với chi phí vận chuyển tăng cao, sự chậm trễ khi các hoạt động chuyển hướng ở Biển Đỏ ngày càng chồng chất. Sự chậm trễ vận chuyển và chi phí cao hơn có thể đẩy lạm phát giá sản xuất lên trong những tháng tới, và từ đó làm tăng chi phí cho người tiêu dùng. Những thông tin này tác động đến chính sách lãi suất của các nước, vàng sẽ không được hưởng lợi nếu như Mỹ chưa giảm lãi suất trong thời gian tới.
Bình luận (0)