Sáng 27.11, giá vàng miếng SJC mua vào và bán ra có mức chênh lệch từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào với giá 71,3 triệu đồng, bán ra 72,3 triệu đồng; Eximbank mua vào với giá 71,3 triệu đồng, bán ra 72 triệu đồng… Trong khi vàng miếng SJC không thay đổi thì vàng nhẫn tăng giá mỗi lượng 100.000 đồng, công ty SJC mua vào 60,45 triệu đồng, bán ra 61,65 triệu đồng. Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng nhẫn tăng lên 1,2 triệu đồng/lượng thay vì 1 - 1,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới tăng thêm 1 USD/ounce, lên 2.003,4 USD/ounce. Đà tăng giá của vàng bị hạn chế khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì xu hướng chính sách tiền tệ thắt chặt. Thêm vào đó, việc Israel và Hamas đồng ý ngừng bắn có giới hạn, làm suy yếu hầm trú ẩn an toàn của kim loại quý.
Trong một báo cáo vừa công bố, các nhà phân tích hàng hóa tại TD Securities lưu ý trong tuần qua, các thương nhân Trung Quốc đã mua khoảng 17,5 tấn vàng. Ông Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại TD Securities cho rằng nhu cầu của thị trường châu Á tiếp tục hỗ trợ cho kim loại quý nhưng vàng vẫn bị kẹt khi các nhà đầu tư phương Tây tiếp tục tránh xa cho đến khi Mỹ rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm tới, điều này buộc Fed phải mạnh tay cắt giảm lãi suất.
Về mặt kỹ thuật, các nhà đầu tư và nhà giao dịch cần theo dõi mức kháng cự ở mức 2.010 USD/ounce. Nếu vượt qua mức này, giá vàng có thể kéo dài đà tăng lên tới 2.050 USD/ounce, mức cao nhất trong tháng 4.2023, trước khi lên có thể lập kỷ lục 2.082 USD/ounce.
Trong tuần này, một số dữ liệu kinh tế Mỹ có tác động lên thị trường như doanh số bán nhà mới, niềm tin của người tiêu dùng, GDP quý 3 sơ bộ, chỉ số CPE, thu nhập và chi tiêu cá nhân, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, doanh số bán nhà đang chờ xử lý, PMI sản xuất ISM, cuộc trò chuyện bên lề buổi họp báo với chủ tịch Fed Jerome Powell…
Bình luận (0)