Ngày 16.9, Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) giảm giá mua vàng miếng SJC 100.000 đồng/lượng, xuống còn 56,2 triệu đồng/lượng; bán ra giảm 50.000 đồng/lượng, còn 56,6 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Doji giảm giá mua vàng miếng 200.000 đồng mỗi lượng, xuống còn 56,1 triệu đồng/lượng; bán ra giảm 150.000 đồng/lượng, còn 56,5 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC giảm giá vàng 100.000 - 150.000 đồng mỗi lượng, mua vào còn 56,05 triệu đồng/lượng và bán ra còn 56,55 triệu đồng/lượng. Giao dịch trên thị trường vàng trầm lắng khiến các công ty kinh doanh rút ngắn giá mua và bán về mức thấp nhất trong vòng vài tháng trở lại đây, khoảng 400.000 – 550.000 đồng/lượng. Vàng miếng SJC cao hơn thế giới 1,7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới ngày 16.9 giảm 14 USD/ounce so với chiều 15.9, xuống còn 1.952 USD/ounce, có thời điểm kim loại quý xuống đến 1.946 USD/ounce sau khi tăng mạnh lên mức 1.973 USD/ounce. Thông tin sản lượng công nghiệp của Mỹ chỉ tăng 0,4% trong tháng 8, chậm lại khá nhiều so với mức tăng 3,5% của tháng 7 và đồng thời thấp hơn kỳ vọng tăng 1,2% của các chuyên gia. Các nhà đầu tư đang chú ý đến bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell khi có sự tiếp cận mới trước đó về một lập trường linh động hơn liên quan lạm phát, việc làm.
Các nhà phân tích dự đoán rằng lãi suất ở gần mức 0 cho đến năm 2023. Hãng Bloomberg đã thăm dò ý kiến của 31 nhà kinh tế và đưa ra kết luận Fed có thể giữ lãi suất gần 0 trong ba năm trở lên và bảng cân đối kế toán sẽ tăng trên 10.000 tỉ USD khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách vực dậy nền kinh tế Mỹ khỏi suy thoái trước ảnh hưởng dịch Covid-19. Chỉ hơn một nửa trong số 31 người dự đoán phạm vi mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang, hiện ở mức 0 - 0,25%, sẽ không tăng cho đến ít nhất là năm 2023; 22% khác cho biết không phải trước năm 2022. Thay đổi lớn nhất đối với nhiệm vụ của Fed là sẵn sàng để lạm phát tăng nóng hơn một chút so với trước đây để họ có thể tập trung vào việc đưa người Mỹ trở lại làm việc và tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) điều chỉnh dự báo kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (ngoại trừ nhóm NIEs bao gồm Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan) giảm 0,7% trong năm 2020; tương đương giảm 0,8% so với dự báo hồi tháng 6 - đánh dấu sự suy giảm đầu tiên kể từ năm 1960. Sang năm 2021, khu vực này được dự báo sẽ phục hồi khá tốt ở mức 6,8%; tăng 0,6% so với dự báo trước. Trong nhóm NIEs, GDP Trung Quốc được ADB dự báo tăng 1,8% trong năm 2020, không đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 6; sang năm 2021, GDP của nước này được kỳ vọng tăng 7,7%, tương đương nhiều hơn 0,3% so với dự báo trước.
Bình luận (0)