Giá vàng nhẫn tăng vọt, lãi suất tiết kiệm 'leo thang'

Thanh Xuân
Thanh Xuân
13/07/2024 06:16 GMT+7

Giá vàng nhẫn 4 số 9 tăng mạnh, lên hơn 77 triệu đồng/lượng và lần đầu tiên vượt qua vàng miếng SJC. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm tiền đồng của các ngân hàng đã kéo dài chuỗi tăng tháng thứ ba liên tiếp.

Giá vàng nhẫn cao hơn vàng miếng SJC

Ngày 12.7, giá vàng nhẫn 4 số 9 tăng từ 150.000 - 400.000 đồng mỗi lượng, nâng mức tăng lên 1,1 triệu đồng/lượng so với đầu tháng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào với giá 75,15 triệu đồng, bán ra 76,75 triệu đồng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào với giá 75,88 triệu đồng, bán ra 77,18 triệu đồng. Tập đoàn Doji có giá mua vàng nhẫn ở mức 75,9 triệu đồng, bán ra 77,15 - 77,4 triệu đồng… Với mức giá này, giá vàng nhẫn lần đầu tiên chính thức cao hơn so với vàng miếng SJC từ 150.000 - 400.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tăng vọt, lãi suất tiết kiệm 'leo thang'- Ảnh 1.

Lãi suất tiết kiệm tăng trong bối cảnh giá vàng miếng SJC bất động hơn 1 tháng nay

Ngọc Thắng

Có được cú lội ngược dòng, từ thấp hơn hàng chục triệu trở nên cao hơn như nói trên là vì trong gần 5 tuần qua, giá vàng miếng SJC đứng bất động. Bắt đầu từ ngày 3.6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán vàng bình ổn giá thông qua 4 NH thương mại có vốn nhà nước và Công ty SJC. Sau đó, giá vàng miếng SJC giảm 3 triệu đồng/lượng từ mức 79,98 triệu đồng/lượng xuống 76,98 triệu đồng/lượng vào ngày 6.6 và được duy trì cho đến nay. Các đơn vị kinh doanh vàng trên thị trường giữ giá mua vào ở mức 74,98 triệu đồng/lượng, bán ra 76,98 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn liên tục tăng giảm cùng nhịp với diễn biến của giá vàng thế giới. Hôm qua, vàng quốc tế tăng thêm 25 - 30 USD/ounce, lên 2.404 USD/ounce, có lúc lên đến 2.414 USD/ounce. Chỉ trong 12 ngày qua, giá vàng thế giới đã tăng 80 USD/ounce.

Biến động vàng ngày 12.7: Lần đầu tiên giá vàng nhẫn DOJI vượt mặt vàng miếng SJC

Nhìn lại lịch sử thì sau 5 năm, giá vàng nhẫn đã vượt mặt vàng miếng SJC. Theo đó, vào năm 2019 - 2020, nhu cầu vàng miếng SJC trên thị trường sụt giảm dẫn đến các đơn vị kinh doanh vàng công bố giá vàng miếng SJC dao động từ 36,5 - 42,7 triệu đồng mỗi lượng, thấp hơn vàng nhẫn từ 200.000 - 500.000 đồng/lượng tùy theo thời điểm. Đây cũng là 2 năm mà các đơn vị kinh doanh vàng xuất khẩu vàng lớn nhất từ trước đến nay. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2019 doanh nghiệp kinh doanh vàng đã xuất khẩu được 2,1 tỉ USD, năm 2020 xuất khẩu được 2,6 tỉ USD. Thêm vào đó, giá vàng nhẫn 4 số 9 cao hơn vàng thế giới từ 2,8 - 3,3 triệu đồng/lượng, trong khi vàng miếng cao hơn khoảng 3 triệu đồng/lượng. Dù ở mức cao nhưng nguồn cung vàng nhẫn trên thị trường vẫn khan hiếm. Quãng thời gian sau đó, tình hình đảo chiều, vàng miếng SJC một mạch tăng giá, đã có thời điểm cao hơn vàng thế giới gần 20 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng nhẫn tới 13 - 14 triệu đồng/lượng. Chỉ đến khi NHNN bán vàng miếng bình ổn vào thời điểm hơn 1 tháng trước như nói trên thì vàng nhẫn mới có cơ hội bứt phá và cao hơn vàng miếng.

Giá vàng nhẫn tăng vọt, lãi suất tiết kiệm 'leo thang'- Ảnh 2.

Lãi suất tiết kiệm tăng trong bối cảnh giá vàng miếng SJC bất động hơn 1 tháng nay

Ngọc Thắng

Chuyên gia vàng Dương Anh Vũ cho biết giá vàng thế giới dự báo trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng. Mỹ vừa công bố tỷ lệ lạm phát tháng 6 âm 0,1%, phát tín hiệu chỉ số giá tiêu dùng hạ nhiệt, ở mức 3%. Đây là cơ sở quan trọng để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định hạ lãi suất USD. Có thể Fed chưa sớm điều chỉnh trong cuộc họp cuối tháng 7 nhưng có khả năng cơ quan này sẽ giảm lãi suất đồng bạc xanh vào tháng 9. Yếu tố này đã hỗ trợ vàng tăng giá vượt qua mức 2.400 USD/ounce và khả năng có thể đạt được mức 2.469 USD/ounce trong 2 tuần tới. Do đó, giá vàng nhẫn trong nước nhiều khả năng tăng lên mức 78,8 triệu đồng trong tuần này hoặc tuần sau. Về dài hạn, nếu bứt khỏi vùng giá 2.470 - 2.480 USD/ounce, giá vàng thế giới có thể chạm mức 2.600 USD/ounce. Trong trường hợp này, vàng nhẫn sẽ có mức giá kỷ lục 83 triệu đồng/lượng.

Cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm

Trong khi vàng nhẫn bứt phá thì trên thị trường NH, lãi suất tiết kiệm cũng liên tục tăng. Ngày 12.7, một số NH đã tăng lãi suất tiết kiệm thêm từ 0,1 - 0,7%/năm. Mức tăng lãi suất cao nhất trong ngày thuộc về NH TMCP Kiên Long (Kienlongbank) từ 0,1 - 0,7%/năm. Gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,5%/năm, lên 5,2%/năm; kỳ hạn từ 12 - 15 tháng, lãi suất tăng thêm 0,4 - 0,6%/năm, lên mức 5,6%/năm. NH TMCP Bản Việt (BVBank) tăng lãi suất từ 0,2 - 0,3%/năm ở các kỳ hạn, dao động từ 3,7 - 6%/năm. Đây là lần thứ hai trong tháng 7, nhà băng này tăng lãi huy động. Trước đó, một số NH khác cũng tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1 - 0,3%/năm. Kể từ đầu tháng 7, thị trường đã ghi nhận khoảng chục NH tăng lãi suất như SeABank, Eximbank, VIB, BaoVietBank, SaigonBank, VietBank... Trong tháng 6, thị trường ghi nhận 24 NH tăng lãi suất.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 24.6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,5% so với cuối năm 2023, cùng thời điểm năm trước tăng 3,68%. Trong khi tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng của nền kinh tế đạt 4,45% (cùng thời điểm năm trước tăng 3,83%) và có xu hướng tăng nhanh vào những tuần cuối tháng 6 (chỉ trong vòng 10 ngày tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH thêm 0,66%). Tính riêng tại TP.HCM, tín dụng tăng vọt trong tháng 6, bằng cả 5 tháng cộng lại. Chính vì huy động tăng trưởng chậm chưa bằng một nửa so với cho vay nên buộc các NH phải tăng lãi suất huy động. Cuộc đua lãi suất đã xuất hiện từ tháng 5 đến nay và cũng chưa có điểm dừng nhằm huy động tiền gửi chuẩn bị vốn cho vay cũng như thanh khoản trong các quý cuối năm.

Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định: Lãi suất huy động đã trải qua một đợt phục hồi từ vùng đáy, bình quân tăng khoảng 0,3 - 0,5% so với cuối tháng 3 nhưng vẫn thấp hơn khoảng 0,15 - 0,45% so với cuối năm ngoái. Dự báo lãi suất huy động sẽ còn tăng do áp lực tỷ giá và chính sách lãi suất. Sức mạnh của USD sẽ duy trì bởi yếu tố vụ mùa, nhu cầu ngoại tệ (để nhập khẩu hàng hóa) có thể tăng cao trở lại vào cuối quý 3, trước khi Fed chính thức đảo chiều chính sách lãi suất, gây áp lực lên tỷ giá. Để bảo vệ dự trữ ngoại hối, đồng thời ổn định được vấn đề tỷ giá, VDSC không loại trừ khả năng NHNN sẽ có một đợt tăng lãi suất điều hành (0,25 - 0,5%) trong quý 3.

VDSC cũng lưu ý: Sự phục hồi mạnh mẽ của tăng trưởng tín dụng gần đây cộng với lượng tiền hút ròng qua kênh bán ngoại tệ có thể tạo áp lực thanh khoản cho hệ thống NH và môi trường lãi suất trong nửa sau năm 2024. Tuy vậy, mức tăng sẽ không đột biến như 2022 do bối cảnh vĩ mô là khác nhau. Năm 2024 còn thiếu những nhân tố gây "sốc" về cầu tín dụng và sự thay đổi đột ngột về chính sách tiền tệ như năm 2022 để gây ra sự đột biến về mặt bằng lãi suất. Bên cạnh đó, áp lực rút ròng ngoại tệ sẽ dịu lại đáng kể nếu có thêm hiệu ứng "hội tụ" về lãi suất (Fed giảm lãi suất trong khi NHNN tăng lãi suất trong nửa cuối năm). Vì vậy VDSC dự báo mặt bằng lãi suất tăng thêm khoảng 0,5 - 1% để trở về mức trung bình trước dịch là một kịch bản hợp lý.

Dự báo giá vàng lên 3.000 USD/ounce vào năm 2025

Mới đây, Goldman Sachs dự báo giá vàng sẽ lên mức 2.500 USD/ounce vào cuối năm nay và 3.000 USD/ounce trong năm sau. Khả năng này được nhiều người tin tưởng nếu Fed giảm lãi suất.

Lượng tiền gửi cá nhân tăng chậm

NHNN vừa đưa ra dữ liệu tiền gửi dân cư tháng 4 tăng thêm 39.000 tỉ đồng so với tháng trước, lên 6,715 triệu tỉ đồng. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, hệ thống NH huy động tiền gửi dân cư ở mức thấp. Trong tháng 3, lượng tiền huy động của các nhà băng tăng 39.000 tỉ đồng so với tháng trước đó, tháng 2 tăng 139.000 tỉ đồng, tháng 1 ghi nhận mức sụt giảm 34.000 tỉ đồng. So với cuối năm ngoái, lượng tiền gửi của cá nhân tăng 183.000 tỉ đồng, tương ứng tăng 2,8%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.