Ngày 12.7, giá xăng dầu tăng nhẹ, giá dầu Brent tăng 32 cent, tương đương 0,4%, lên 85,4 USD/thùng; giá dầu WTI của Mỹ tăng 52 cent, tương đương 0,6%, lên 82,62 USD/thùng.
Cục Thống kê lao động - Bộ Lao động Mỹ vừa có báo cáo tháng 6 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã giảm 0,1% - mức giảm khá khiêm tốn song đây là lần giảm CPI đầu tiên kể từ tháng 5.2020 (hơn 4 năm) sau khi không đổi vào tháng 5. Tuy vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, CPI Mỹ tăng 3% - mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 6.2023. Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hằng tuần ở Mỹ đã giảm 17.000 xuống còn 222.000.
Các nhà phân tích cho rằng, CPI giảm làm dấy lên hy vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất và các nhà giao dịch đặt cược 89% khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới, tăng từ mức 73% nhà giao dịch dự báo hôm 10.7.
Trên Reuters, Giám đốc nghiên cứu thị trường tại Tradition Energy Gary Cunningham nhận xét dữ liệu CPI đã kéo chỉ số USD xuống thấp hơn và điều này đã hỗ trợ giá dầu. Một nhân tố khác đẩy giá dầu tăng là tồn kho xăng dầu của Mỹ tiếp tục giảm trong bối cảnh nhu cầu xăng và nhiên liệu máy bay tăng mạnh.
Trong nước, trái ngược với các dự báo trước giờ điều hành giá xăng dầu, chiều 11.7, liên Bộ Công thương - Tài chính công bố bảng giá bán lẻ xăng dầu mới theo hướng giảm đồng loạt, ngoại trừ dầu mazut. Theo đó, giá xăng E5RON 92 không cao hơn 22.282 đồng/lít, giảm 179 đồng/lít; xăng RON 95 không cao hơn 23.294 đồng/lít, giảm 258 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 20.834 đồng/lít, giảm 342 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 21.038 đồng/lít, giảm 178 đồng/lít; giá dầu mazut tăng 250 đồng/kg lên 17.784 đồng/kg.
Trong kỳ điều hành này, cơ quan liên Bộ tiếp tục không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Bình luận (0)