Ngày 14.9, giá dầu thô WTI của Mỹ nhích nhẹ, giao dịch ngưỡng 87,4 USD/thùng, dầu Brent chuẩn toàn cầu giao dịch quanh mức 93,25 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch 13.9, giá dầu thô Brent giảm 0,9% xuống 93,17 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,5% xuống 87,31 USD.
Giá dầu thô có dấu hiệu yếu đi trong khi OPEC vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu sẽ tăng mạnh mẽ trong năm nay đến năm sau |
REUTERS |
Theo các nhà phân tích, bóng ma lạm phát quá lớn khiến thị trường khó định đoán. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 8 đã tăng 0,1% sau khi đứng yên vào tháng 7, ngược dự báo của các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters trước đó là giảm 0,1%. Theo dự kiến, tuần tới, các quan chức Fed sẽ nhóm họp đưa ra quyết định cho việc tăng lãi suất lớn trong bối cảnh lạm phát vượt xa mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Mỹ.
Trên Reuters, ông Dennis Kissler của BOK Financial cho biết Fed có thể phải tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến, và điều này có thể gây "rủi ro giảm giá" cao đối với dầu thô và khiến đồng USD tiếp tục mạnh hơn.
Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hôm qua (13.9) vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu mạnh mẽ trong năm 2022 và 2023. Nhóm này đã dẫn các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế lớn đang hoạt động tốt hơn dự kiến bất chấp những khó khăn như lạm phát gia tăng.
Tại châu Á, mới đây, trên tờ Financial Times, Tổng thống Indonesia cho hay quốc gia này đang cân nhắc việc mua dầu từ Nga. Đầu tháng 9 này, Indonesia đã quyết định cho tăng giá nhiên liệu được trợ cấp lên 30% và Tổng thống nước này cho biết đây là "lựa chọn cuối cùng" vì áp lực tài chính. Trước đó, vào tháng 5, Nga bán cho Ấn Độ dầu thô với giá rẻ hơn 16 USD/thùng so với giá nhập khẩu trung bình của nước này là 110 USD/thùng. Mức chiết khấu giảm xuống còn 14 USD/thùng vào tháng 6, khi giá nhập khẩu trung bình của Ấn Độ là 116 USD/thùng. Tính đến tháng 8, giá dầu thô của Nga thấp hơn 6 USD so với giá trung bình. Có thể nói, mức giá rẻ hiện tại của dầu Nga là lợi thế kinh tế khổng lồ đối với các nước châu Á giữa lúc giá năng lượng thế giới tăng mạnh.
Trong nước, chiều 12.9, liên Bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong nước ở mức trên 1.000 đồng/lít. Đây là lần giảm giá thứ hai liên tiếp của mặt hàng xăng trong nước. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng, 10 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Sau điều chỉnh, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 14.9 cụ thể như sau: xăng E5 RON 92 không quá 22.231 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.215 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.180 đồng/lít; dầu hỏa không quá 24.418 đồng/lít và dầu mazut không quá 15.039 đồng/kg.
Bình luận (0)