Như vậy, trong tuần này, dầu thế giới ghi nhận một tuần giảm giá. Cụ thể, dầu WTI đã mất gần 4% và dầu Brent giảm 4,2%.
Lo ngại lãi suất sẽ tăng trở lại nhằm kiềm chế lạm phát đã đẩy giá dầu lao dốc. Bên cạnh đó, thông tin dự trữ tăng, nguồn cung dồi dào cũng gây áp lực lên thị trường. Trên Reuters, ông Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho, tiết lộ vì kho dự trữ dầu đang ở mức cao nhất trong 19 tháng, nên các nhà máy lọc dầu sẽ kéo dài mùa quay vòng càng lâu càng tốt. Báo cáo mới nhất về nguồn cung của Mỹ cho thấy, tồn kho dầu thô trong tuần của nước này tăng 16,3 triệu thùng lên 471,4 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 6.2021.
Ở một diễn biến khác, theo Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, thỏa thuận hiện tại của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vẫn tiếp tục giảm mục tiêu sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay, đồng thời cho rằng vẫn thận trọng đối với nhu cầu từ Trung Quốc.
Trong nước, ngày 18.2, chiết khấu xăng dầu tại các kho khu vực phía bắc đối với dầu diesel vọt lên 2.000 đồng/lít, xăng 1.500 đồng/lít. Tương tự, các kho ở phía nam chiết khấu với xăng khoảng 1.200 - 1.450 đồng/lít, dầu vẫn ở mức cao 2.000 đồng/lít.
Theo các doanh nghiệp xăng dầu, ước tính giá xăng dầu sẽ có sự điều chỉnh giảm khá mạnh với dầu, mức giảm khoảng 1.100 đồng/lít và 300 đồng/lít với xăng trong phiên điều hành tới (21.2). Nên trong vài ngày qua, nhiều doanh nghiệp đã đồng loạt nâng chiết khấu lên rất cao cho các đại lý bán lẻ để xả bớt hàng tồn kho.
Ngày 18.2, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: xăng E5 RON 92 không cao hơn 22.869 đồng/lít; xăng RON 95 không cao hơn 23.767 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 21.562 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 21.594 đồng/lít và dầu mazut không cao hơn 13.636 đồng/kg.
Bình luận (0)