Ngày 19.7, giá xăng dầu gần như đi ngang khi dầu Brent tăng 3 cent lên 85,11 USD/thùng, dầu WTI lại lùi 3 cent xuống 82,82 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng tương lai này đều tăng xấp xỉ 2% trong phiên giao dịch trước.
Reuters cho hay, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần trước đã tăng nhiều hơn dự kiến trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu cấp tiểu bang cũng tăng 20.000 lên mức đã điều chỉnh theo mùa là 243.000 người.
Dữ liệu này càng củng cố thêm lý do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cần đẩy nhanh kế hoạch cắt giảm lãi suất để thúc đẩy chi tiêu nhiều hơn, trong đó có mặt hàng dầu. Chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu mỏ PVM cho rằng, kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất trong tương lai không xa sẽ hạn chế được xu hướng giảm của giá dầu. Một số dự báo khác cũng cho rằng các nền kinh tế có dấu hiệu giảm nhu cầu dầu, điều này ngăn giá dầu tăng.
Về nguồn cung, Reuters trích dẫn một số nguồn tin cho biết tại cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu và đồng minh (OPEC+) dự kiến diễn ra vào đầu tháng 8 tới sẽ khó có khuyến nghị thay đổi chính sách sản lượng dầu của nhóm, bao gồm cả kế hoạch bắt đầu gỡ bỏ cắt giảm sản lượng dầu thô từ tháng 10.
Trong nước, chiều hôm qua (18.7), liên Bộ Công thương - Tài chính điều hành giá xăng dầu mới theo quy định tại Nghị định 80. Theo đó, các mặt hàng xăng dầu đều giảm đồng loạt, mức giảm nhẹ. Cụ thể, mức giảm của giá xăng khá khiêm tốn, giảm 110 đồng/lít với xăng sinh học E5 RON92 và giảm 120 đồng/lít với xăng RON95. Các mặt hàng dầu có mức giảm cao hơn, trong đó, dầu hỏa giảm hơn 370 đồng/lít, dầu diesel giảm 330 đồng/lít và dầu mazut giảm 110 đồng/kg. Tại kỳ điều hành này, liên Bộ cũng không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Bình luận (0)