Ngày 19.9, giá xăng dầu lùi nhẹ, giá dầu Brent mất 5 cent xuống 73,65 USD/thùng; trong khi giá dầu WTI giảm 28 cent xuống 70,91 USD/thùng.
Lo ngại sức khỏe nền kinh tế Mỹ có thể bị ảnh hưởng sau đợt cắt giảm lãi suất, bất chấp tồn kho dầu thô Mỹ xuống mức thấp, giá dầu thô vẫn quay đầu giảm.
Theo Reuters, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã thông báo cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, mức giảm chi phí đi vay lớn hơn nhiều so với dự kiến của nhiều người, làm dấy lên lo ngại thị trường việc làm sẽ giảm trong tương lai. Việc cắt giảm lãi suất thường thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu năng lượng, nhưng thị trường lao động yếu hơn có thể làm chậm nền kinh tế.
Tuy vậy, hạn chế đà giảm của giá dầu trong phiên nhờ dữ liệu tồn kho dầu Mỹ giảm. Ngày 18.9, báo cáo từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu của Mỹ trong tuần trước đã giảm 1,6 triệu thùng xuống còn 417,5 triệu thùng, mức giảm cao hơn gấp 3 lần so với kỳ vọng giảm 500.000 thùng của các nhà phân tích. Số liệu của EIA cũng trái ngược hoàn toàn so với báo cáo tăng 1,96 triệu thùng từ Viện Dầu khí Mỹ trước đó.
Việc giảm sản lượng dầu do bão Francine đã khiến lượng hàng tồn kho của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 1 năm.
Trong nước, chiều nay (19.9) đến kỳ điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ. Theo xu hướng tăng của giá thế giới trong mấy ngày gần đây, giá xăng dầu thành phẩm tham chiếu từ thị trường Singapore cũng có dấu hiệu tăng đối với mặt hàng xăng. Dự báo, giá xăng có thể tăng nhẹ dưới mức 200 đồng/lít; giá dầu có tăng có giảm, mức tăng/giảm dao động từ 100 - 400 đồng/lít/kg. Mức dự báo này chưa bao gồm Quỹ bình ổn giá xăng dầu và các loại phí khác, nếu có thay đổi.
Như vậy, nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước có thể đứt mạch giảm 3 tuần, nhích tăng nhẹ trở lại.
Bình luận (0)