Ngày 22.4, ghi nhận lúc 7 giờ 30 (theo giờ Việt Nam), giá xăng dầu giảm nhẹ, giá dầu thô Brent giảm hơn 0,6% xuống 86,82 USD/thùng; giá dầu WTI của Mỹ giảm hơn 0,5% xuống 81,55 USD. Cả hai loại dầu này đều giảm khoảng 3% vào tuần trước.
Theo giới phân tích nhận định, đến nay, cuộc xung đột giữa Iran và Israel chưa tác động lớn đến nguồn cung dầu từ Trung Đông - khu vực sản xuất hàng đầu thế giới. Theo đó, thị trường tiếp tục trượt dốc và khá khó khăn để có thể quay lại mức đỉnh giá cao trên 92 USD/thùng được xác lập từ 10 ngày trước. Thậm chí, Reuters cho biết, một số loại dầu thô quan trọng nhất đang có dấu hiệu giảm giá.
Bên cạnh đó, một số nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu châu Phi nói với Reuters là đang gặp khó khăn trong việc dỡ hàng dự kiến xuất vào tháng 5. Một số đã phải giảm giá bán, nhưng doanh số bán hàng trong tháng vẫn diễn ra khá chậm. Các nhà phân tích của ngân hàng HSBC nhận xét, thực tế là nhóm sản xuất OPEC+, vốn có năng lực sản xuất dự phòng dồi dào, đang giúp kiểm soát giá dầu; nguồn cung từ Mỹ cũng khá dồi dào do các nhà máy bảo trì đã hoạt động trở lại.
Như vậy, bất chấp cuộc tấn công mới nhất, các nhà phân tích thị trường cho rằng, nếu không có sự leo thang đáng kể ở Trung Đông, rủi ro địa chính trị sẽ ổn định và giảm dần. Cùng với việc không có tác động đến nguồn cung, giá dầu khó có biến động mạnh trong phiên đầu tuần.
Trước diễn biến giá thế giới, giá xăng dầu thành phẩm tham chiếu từ thị trường Singapore đến sáng nay (22.4) cho thấy giảm so với giá bán tại thị trường trong nước. Ngày 22.4, giá bán lẻ xăng dầu phổ biến trên thị trường vùng 2 (xa cảng, xa kho, xa nhà máy...) theo thông báo của Petrolimex như sau: xăng RON 95-V 26.270 đồng/lít, xăng RON 95-III 25.730 đồng/lít, xăng E5 RON92 24.700 đồng/lít, dầu diesel 21.860 - 22.490 đồng/lít, dầu hỏa 21.830 đồng/lít, dầu mazut (bán buôn) 17.540 - 22.390 đồng/kg.
Trong diễn biến khác, chiết khấu bán lẻ xăng dầu được các thương nhân phân phối thông báo về doanh nghiệp bán lẻ cũng đang ở mức khá cao, trên dưới 1.500 đồng/lít.
Bình luận (0)