Ngày 5.1, giá xăng dầu quay đầu giảm nhẹ sau bật tăng hơn 3% trong phiên trước. Giá dầu thô Brent giảm 66 cent, tương đương 0,8%, xuống 77,59 USD/thùng; trong khi giá dầu WTI của Mỹ giảm 51 cent, tương đương 0,7%, mức 72,19 USD/thùng.
Theo Reuters, nhu cầu nhiên liệu thấp và lượng tồn kho tăng mạnh theo dữ liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đã tạo áp lực lên giá. Ngày 4.1, báo cáo của EIA cho thấy, dự trữ xăng của Mỹ trong tuần trước tăng sốc 10,9 triệu thùng lên 237 triệu thùng. Đây là mức tăng hàng tuần cao nhất trong hơn 30 năm qua. Đáng nói, tồn kho sản phẩm chưng cất cũng tăng tới 10,1 triệu thùng lên 125,9 triệu thùng. Trong khi đó, tồn kho dầu thô giảm 5,5 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ năm 1999.
Một số nhà phân tích cho rằng, tình hình ở Biển Đỏ buộc các nhà máy lọc dầu và người mua dầu thô phải đến Mỹ thay vì quanh khu vực châu Phi. Tồn kho dầu của Mỹ giảm mạnh phản ánh sự gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ. Giá dầu biến động liên tục trong từng phiên trong những ngày đầu năm nay, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi tình hình đang diễn ra tại Biển Đỏ.
Trong một diễn biến khác, Reuters cũng đưa tin lạm phát ở Đức tăng cao nên nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ ủng hộ việc giữ lãi suất ổn định trong một thời gian.
Trong nước, chiều 5.1, liên Bộ Công thương - Tài chính đã công bố thông tin điều hành giá xăng dầu mới. Trong kỳ điều hành này, các mặt hàng xăng dầu đồng loạt giảm giá. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 giảm 180 đồng về 21.006 đồng/lít; giá xăng RON95 giảm 232 đồng về 21.916 đồng/lít; giá dầu diesel giảm 420 đồng về 19.368 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 500 đồng về 19.957 đồng/lít; giá dầu mazut giảm 190 đồng về 15.495 đồng/kg.
Trong kỳ điều hành này, liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu; trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.
Bình luận (0)