Ngày 5.3, các hợp đồng dầu thô tiếp đà tăng. Dầu Brent chuẩn toàn cầu giao dịch trên ngưỡng 67 USD/thùng, dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ vọt trên ngưỡng 64 USD/thùng. Kết thúc phiên trước đó lúc khuya 4.3, cả hai hợp đồng này đều tăng mạnh hơn 4%.
Ngày 5.3, Hội nghị Bộ trưởng các thành viên OPEC+ đã bắt đầu, nhóm thống nhất sẽ không tăng sản lượng trong tháng 4, điều này đẩy giá dầu “nhảy múa” từ ngày hôm qua đến sáng nay. Các hợp đồng dầu thô đồng loạt tăng và đang giữ đà tăng hơn 0,6% trong sáng nay. Tuy nhiên, kết quả chính thức về tương lai xa hơn của việc cắt giảm sản lượng dầu vẫn đang được các nhà đầu tư nghe ngóng.
Thực tế, đợt tăng giá dầu đã kéo dài hơn 4 tháng qua, từ mức dưới 40 USD/thùng lên trên 60 USD/thùng theo các nhà phân tích là “không phù hợp với nhu cầu và doanh số bán thực tế dự kiến của năm 2021 đã được thiết lập trước đó”. Các phân tích trên MarketWatch đều cho rằng, thị trường còn yếu do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 vẫn khá nặng nề. Như vậy, việc cân bằng thị trường cũng phải được các “ông lớn” dầu mỏ tính toán lại bằng những kế hoạch mới.
Trước đó, một số nhà phân tích đã dự đoán OPEC+, liên minh giữa OPEC và các nhà sản xuất dầu lớn khác, sẽ tăng sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày. Thế nên, không ít người “bất ngờ” vì OPEC+ quyết định không nới lỏng sản lượng. Đến nay, nguồn cung của nhóm OPEC+ đã giảm gần 8 triệu thùng mỗi ngày, bao gồm sản lượng giảm tự nguyện của Ả Rập Xê Út 1 triệu thùng/ngày.
Các phân tích vẫn nghiêng về dự báo giá dầu sẽ tiếp tục trên ngưỡng 60 USD/thùng cho dù kết thúc cuộc họp, OPEC+ sẽ quyết định tăng sản lượng từ tháng 5. Lý do, các nền kinh tế đang dần nỗ lực ổn định trở lại, đặc biệt, vắc-xin ngừa Covid-19 đang được đẩy mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngày 5.3, theo giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex, xăng E5 RON92 17.031 đồng/lít; xăng RON95 18.084 đồng/lít; dầu diesel 13.843 đồng/lít; dầu hỏa 12.610 đồng/lít; dầu mazut 13.127 đồng/kg…
Bình luận (0)