Ngày 7.11, giá dầu Brent giảm 61 cent, tương đương 0,81%, xuống mức 74,92 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 30 cent, tương đương 0,42%, xuống mức 71,69 USD/thùng.
Theo Reuters, bầu cử tổng thống ở Mỹ và đặc biệt là kết quả kiểm phiếu ban đầu đã gây ra một đợt bán tháo lớn khiến giá dầu giảm hơn 2 USD trong phiên khi đồng USD tăng mạnh. Đồng USD mạnh đồng nghĩa với các mặt hàng được định giá bằng đồng USD như dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, gây sức ép lên giá.
Các nhà phân tích cho rằng, mọi sự phấn khích và nhiệt tình bán ra ban đầu đã giảm dần. Trong ngắn hạn, khả năng giá dầu tăng sẽ cao hơn là giảm giá. Hiện giá dầu biến động trong biên độ nhỏ do các nhà đầu tư đã chuyển sự chú ý về nhu cầu và nguồn cung trong ngắn hạn nhiều hơn.
Tuy vậy, hạn chế đà giảm của giá dầu hôm nay vẫn là xung đột ở Trung Đông. Việc cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử được dự báo sẽ có nhiều chính sách đối ngoại thay đổi. Có thể, lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela sẽ được gia hạn. Đồng nghĩa với nguồn cung dầu thô từ 2 nước khó gia nhập thị trường, đẩy giá dầu duy trì mức cao.
Trong nước, cập nhật đến sáng nay 7.11, một số thương nhân đầu mối dự báo, giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều chỉnh giá chiều nay có thể tăng theo xu hướng tăng của thế giới tuần qua. Theo đó, giá xăng ước tăng từ 350 - 370 đồng/lít, giá dầu diesel tăng từ 460 - 770 đồng/lít, trừ dầu mazut giảm nhẹ chưa tới 100 đồng/kg.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 43 phiên điều chỉnh, bao gồm 21 phiên giảm, 17 phiên tăng và 6 phiên không đồng đều.
Trong diễn biến khác, Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội tháng 10. Dữ liệu cho thấy, chỉ số tiêu dùng CPI 10 tháng tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng bởi ảnh hưởng bởi mưa bão, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới và giá nhà ở thuê tăng.
Bình luận (0)