Ngày 8.6, giá xăng dầu giảm nhẹ, giá dầu Brent giảm 25 cent xuống 79,62 USD/thùng; giá dầu WTI của Mỹ giảm 2 cent xuống 75,53 USD/thùng.
Như vậy, tính cả tuần, giá dầu Brent mất khoảng 2,5% và dầu WTI giảm khoảng 1,9%.
Ngày 7.6, Cục Thống kê lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ cho biết, bảng lương phi nông nghiệp đã tăng thêm 272.000 việc làm trong tháng 5, cao hơn nhiều so với dự báo tăng thêm 185.000 việc làm của các nhà kinh tế. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 cũng tăng nhẹ từ 3,9% trong tháng 4, tăng lên 4% trong tháng 5. Thất nghiệp tăng, lượng việc làm giảm càng khiến thị trường dầu mỏ giảm nhiệt.
Bên cạnh đó, các phân tích cho rằng dữ liệu tăng trưởng việc làm của Mỹ càng củng cố khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới. Tuy vậy, đà giảm của giá dầu đã bị hạn chế phần nào bởi sự hỗ trợ từ các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) là Ả Rập Xê Út và Nga, khi cả 2 nhà cung ứng dầu lớn này cho biết sẵn sàng tạm dừng hoặc đảo ngược việc tăng sản lượng để "cứu" giá dầu.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, dữ liệu cho thấy mặc dù xuất khẩu tăng tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 5 nhưng nhập khẩu dầu thô lại giảm, báo hiệu mối lo ngại về nhu cầu ở quốc gia mua dầu thô lớn nhất thế giới này.
Trong nước, ngày 8.6, giá bán lẻ xăng dầu phổ biến trên thị trường như sau: xăng E5 RON92 không quá 21.141 đồng/lít, xăng RON 95-III không quá 21.977 đồng/lít, dầu diesel không quá 19.422 đồng/lít, dầu hỏa không quá 19.557 đồng/lít và dầu mazut không quá 17.285 đồng/kg.
Bình luận (0)