Năm 1916, tức là chỉ 13 năm sau khi anh em nhà Wright thử nghiệm thành công chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới, nhà công nghiệp William Boeing chọn khu đất rộng ven bờ hồ Washington, Seattle, để đặt nhà máy chế tạo máy bay do ông sáng lập. Đến thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Boeing đã trở thành nhà cung cấp phi cơ chiến đấu quan trọng cho chính phủ.
Khu vực duyên hải Thái Bình Dương miền tây bắc nước Mỹ, xung quanh thành phố Seattle - thủ phủ kinh tế của bang Washington, lọt vào danh sách ưu tiên phòng thủ của đất nước (tất nhiên cùng với nhiều lý do khác nữa). Chuyện kể rằng, để ngụy trang những công xưởng của Boeing trước sự nhòm ngó của không quân đối phương, người Mỹ cho sơn vẽ các mái nhà thành những đường phố giả, giống thật đến mức các phi công phe Trục bị đánh lừa!
Câu chuyện trên, tôi nghe được từ lời kể của một kỹ sư người Việt đang làm việc cho hãng Boeing, vào những ngày trước khi chiếc Boeing 787 chính thức ra mắt công chúng. Ông Boeing không còn, con cháu ông cũng không làm chủ hãng nữa, nhưng những người điều hành hãng sau đó đã làm được rất nhiều điều kỳ diệu.
Đến nay, Boeing không còn là một tên người, mà trên khắp các châu lục, nó đã đồng nghĩa với "máy bay". Suốt hàng chục năm, Boeing là nhà chế tạo máy bay số 1 thế giới. Lần lượt các loại máy bay phản lực dân dụng từ 707 đến 717, 727, 737, đến 747, 767, 777... tung hoành ngang dọc trên các bầu trời từ New York đến Addis Abeba, từ Hà Nội đến Paris..., thu hẹp các không gian địa lý và làm xích lại gần nhau các nền kinh tế, các nền văn hóa xa xôi - điều mà ông Chủ tịch Tập đoàn Jim McNerney nhấn mạnh hơn cả trong phát biểu tại lễ khai trương.
Hôm nay, Boeing sắp đặt thêm một chân nữa vào lịch sử bằng nỗ lực "cách mạng hóa" ngành vận chuyển hành khách, với chiếc Boeing 787 "Giấc mơ" - cái tên nhiều ý nghĩa được một nhân viên bán hàng của hãng đề xuất và lựa chọn trong một cuộc thi ý tưởng. Trò chuyện với các nhà báo Việt Nam đến dự lễ khai trương, cả hai anh Tôn Phi Long, chuyên gia về tin học-bảo mật và anh Trần Việt Hải, chuyên gia về động cơ của Boeing đều tỏ ra tin tưởng về tương lai của hãng, ít nhất là trong vòng 20 năm tới, nhờ con gà đẻ trứng vàng là chiếc "Giấc mơ" này.
Tính đến 7.7.2007, một ngày trước khi Boeing 787 ra mắt, đã có 677 đơn đặt hàng được ký kết với Boeing, mới nhất là Air Berlin, hãng hàng không giá rẻ lớn thứ ba của châu u, với hợp đồng "cứng" mua 25 chiếc 787, trị giá 4 tỉ USD, chưa kể quyền mua thêm 15 chiếc nữa sau này. Trước đó là hàng loạt khách hàng quan trọng như All Nippon Airways (50 chiếc), Qantas (45 chiếc), Air Canada (37 chiếc)...; và cả Vietnam Airlines (4 chiếc).
"Siêu máy bay bằng nhựa"
Anh Phi Long, người đã làm việc cho dự án Boeing 787 từ những ngày đầu cách đây 5 năm, cho biết: thiết kế của Boeing 787 được xây dựng dựa trên kết quả thăm dò trực tiếp ý kiến những người đi máy bay thường xuyên. Những lời phàn nàn của hành khách về sự chật chội của ghế ngồi, không khí trong máy bay quá khô, cảm giác nhồi lắc khi bay qua vùng thời tiết xấu... đã là xuất phát điểm của một loạt cải tiến công nghệ được áp dụng trên chiếc máy bay có tham vọng trở thành tiêu chuẩn cho toàn ngành trong những năm tới. Kết quả là các nhà thiết kế đã cho ra đời một mẫu máy bay có hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu cao chưa từng có (tiết kiệm tới 20% năng lượng so với các loại máy bay cùng cỡ), trong khi vẫn duy trì tốc độ tối đa đối với loại máy bay thân rộng (Mach 0,85; tương đương 289,2465m/giây).
Chìa khóa cho các chỉ số vượt bậc trên nằm ở những công nghệ mới lần đầu tiên được Boeing áp dụng, trong đó quan trọng nhất là việc sử dụng vật liệu composite trong 50% cấu trúc của máy bay - từ đó sinh ra lời nói đùa nhưng thật rằng Boeing 787 là chiếc máy bay bằng nhựa! Giải pháp này có một loạt lợi thế: vì composite nhẹ hơn nhôm - vật liệu truyền thống của máy bay, lại dễ đúc, nên giúp tiết kiệm được 1.500 tấn nhôm tấm và 40.000-50.000 chiếc bu-lông, đồng thời làm tăng diện tích cửa sổ máy bay. Composite bền hơn và không gỉ sét nên có thể cho phép tăng độ ẩm và áp suất khoang máy bay lên - từ đó bớt những lời phàn nàn lâu nay của hành khách về chứng khô mắt, khô da hay cảm giác chóng mặt do độ cao. Động cơ của chiếc Boeing 787 cũng ít ồn hơn ở mức độ đáng kể do công nghệ chế tạo turbine, mà một thay đổi dễ thấy nhất là đường viền "răng cưa" ngoài động cơ. Ngoài ra, hệ thống cảm biến đặt trên mũi máy bay được mô tả là giúp máy bay cân bằng hơn khi vượt qua những "ổ gà" khí quyển.
"Kẻ thay đổi luật chơi"
Đối với hành khách, điểm dễ được đánh giá cao của Boeing 787 là không gian rộng hơn, được bố trí và trang bị nội thất tinh tế và trau chuốt hơn những máy bay hiện có. Vì vậy, có người mệnh danh Boeing 787 là "chiếc xe Limousine của không gian", hướng tới cho những hành khách muốn tiện nghi cao cấp - một xu hướng tiêu dùng tương lai mà Boeing đặt cược.
Với sự ra đời của Boeing 787, thị trường chế tạo máy bay dân dụng tầm trung-xa có dấu hiệu rẽ sang một hướng mới. Boeing 787 đã đi trước Airbus 350 ít nhất 5 năm ở thị trường "điểm đến điểm" (spot-to-spot). Đặc biệt sau khi dự án Airbus A380 bị khách hàng phàn nàn vì trì hoãn ngày giao hàng, Boeing 787 nổi bật lên nhờ tiến độ thực hiện ổn định. Dự kiến chiếc máy bay 787 đầu tiên sẽ được giao cho hãng ANA của Nhật Bản trong năm 2008.
Để "thắng" được trên mặt trận thời gian, Boeing thuê hẳn một công ty logistic để đảm bảo công tác vận trù hoàn hảo nhất, bởi chỉ cần một nhà thầu chậm là cả dây chuyền dừng lại theo. Thành tích này càng đáng chú ý khi biết rằng Boeing 787 là sản phẩm được quốc tế hóa ở mức độ chưa từng có.
Lần đầu tiên, các nhà thầu thuộc nhiều quốc gia được tham gia rất sâu vào khâu thiết kế. Quốc gia đóng góp nhiều cấu kiện quan trọng nhất là Nhật Bản, với các tập đoàn như Mitsubishi, Subaru..., nhưng còn vô số nhà cung cấp nhỏ khác của châu u, châu Á.
Một luật chơi nữa mà Boeing 787 đặt ra là hệ quả của những tiến bộ công nghệ nói trên, trước hết là các tiêu chuẩn về môi trường. Trong một thị trường nhiên liệu nhiều bất ổn, lại đi đôi với những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội dân sự về tính thân thiện với môi trường, nhãn hiệu "máy bay xanh" của Boeing 787 là khẩu hiệu tiếp thị rất hiệu quả và đánh trúng vào xu thế thời đại.
Dù còn vài tháng bay thử nghiệm trước khi được Cục Hàng không dân dụng Hoa Kỳ cấp phép chính thức, chiếc Boeing 787 đang có đủ mọi thuận lợi để vươn lên chiếm một thị phần lớn trong tương lai.
Việt Hưng (từ Everett, Hoa Kỳ)
Bình luận (0)