Giấc mơ của Những người khốn khổ

23/11/2020 06:11 GMT+7

Khán giả xem đêm diễn Những người khốn khổ như đi trong một giấc mơ bay. Ở đó, họ được hồi hộp, lo lắng, rồi lại được lịm đi trong tình yêu và bao dung. .

Giấc mơ nhạc kịch của nhiều thế hệ diễn viên Nhà hát nhạc vũ kịch Việt  Nam (VNOB) dường như đã cùng đồng loạt thức dậy khi nhân vật Fantine hát I dreamed a dream (Tôi từng ấp ủ một giấc mơ). Giọng ca của Nguyễn Thu Quỳnh tràn qua hố nhạc, nơi âm thanh của dàn nhạc cứ vang lên quá đỗi dày dặn. Giọng ca đó cũng bay lên tràn ngập không gian sân khấu đột nhiên rất sâu của Nhà hát Lớn Hà Nội. Còn khán giả, họ thấy một giấc mơ ấp ủ sao mà ngọt ngào đến thế, và cũng mong manh với cô gái nghèo đến vậy.
Những người khốn khổ, bản dựng của VNOB (Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 21.11) mang trong mình quá nhiều sức trẻ, sự đột phá. Trẻ và đột phá đến mức, từng chi tiết trong vở diễn luôn vừa quen, vừa lạ.
Những người khốn khổ có không gian sân khấu sâu thẳm như một hộp đen bí mật. Trên sân khấu đó, từng chiếc thang, từng bậc cao đều tối giản. Cộng với ánh sáng được tính cho từng vị trí, mỗi khi nhân vật xuất hiện, họ đều tốt hơn, đẹp lên, mưu mô thêm nhờ viền ánh sáng. Làm sao có thể mô tả được một Jean Valjean - thị trưởng - người tù bị truy đuổi tốt hơn những viền ánh sáng chỉ chiếu bừng một phần khuôn mặt ông. Sự uể oải và trụy lạc nơi nhà chứa được tả bằng những vệt đèn đỏ u tối chiếu xoáy thẳng từ trên đầu xuống thân hình những cô gái làng chơi.
Dàn cảnh cũng đem lại những hiệu ứng hình ảnh đẹp lạ cho vở diễn. Trong cảnh Fantine (Nguyễn Thu Quỳnh) bị xua đuổi, toàn bộ công nhân trong xưởng dồn cô về một phía sân khấu. Bố cục người quá chênh lệch này ngay lập tức tạo cảm giác áp bức. Cùng với tông màu chuyển đổi tinh tế qua trang phục, đạo cụ, những bố cục khác nhau này phần lớn gợi đến sự mẫu mực của tranh cổ điển.
Trong suốt vở nhạc kịch kéo dài 2 tiếng, diễn viên vừa hát vừa đau đớn, ngạc nhiên, hối lỗi, được xoa dịu và bao dung. Giọng hát của họ vang ngân mà không có dấu hiệu quá sức cho thấy thực lực được rèn luyện. Nếu như giọng Jean Valjean (Thế Tùng Lâm) rền ấm, Javert (Nguyễn Huy Đức) gầm gừ hăm dọa, thì giọng Cosette (Chúc Anh) trong veo tình cảm như tiếng sơn ca.
Các biểu cảm của cả khuôn mặt lẫn hình thể, cách làm chủ vị trí sân khấu cũng giàu cảm xúc. Nó cho thấy từng người hát đã yêu và hiểu đến mức sống được đời sống của từng nhân vật mình thủ vai. Từ diễn viên chính cho đến những người hát bè, những vai phụ cũng đều như run lên trong cảm xúc của những người khốn khổ dám hành động vì giấc mơ hạnh phúc từng ấp ủ.
Cháy vé với Hồ thiên nga ballet, giờ đây VNOB lại cháy vé 4 đêm nhạc kịch Những người khốn khổ. Cháy vé trong xúc động của những người đến xem vở diễn. Giấc mơ chạm vào khán giả của những người làm nhạc kịch Việt hằng ấp ủ, giờ đã không chỉ là mơ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.