Vừa làm show vừa trả nợ
Chương trình hòa nhạc thính phòng Romantic Concert của nghệ sĩ piano Đào Trọng Tuyên và nghệ sĩ violin Nguyễn Công Thắng vừa diễn ra vào tháng 12.2017 tại khán phòng Học viện Âm nhạc quốc gia (Hà Nội).
Đào Trọng Tuyên đoạt giải nhất trong cuộc thi piano quốc gia năm 1990. Năm 2007, anh tốt nghiệp tiến sĩ biểu diễn piano tại Đại học Montréal, Canada và đã biểu diễn tại nhiều nước: Canada, Pháp, Nhật Bản… Còn Nguyễn Công Thắng từng giành giải nhất cuộc thi âm nhạc quốc gia mùa thu năm 1990, từng tham gia biểu diễn cùng dàn nhạc Học viện Âm nhạc Hồng Kông ở các nước như Áo, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Anh, Thái Lan… Sau gần 30 năm được vinh danh với giải thưởng âm nhạc quốc gia, hai nghệ sĩ mới có cơ hội đến với khán giả VN trong live show riêng của họ. Chương trình do hai nghệ sĩ và những người bạn yêu âm nhạc cổ điển cùng tự đứng ra thực hiện.
Nguyễn Công Thắng chia sẻ bản thân anh muốn làm thêm nhiều chương trình với các hình thức khác nhau từ trình diễn solo đến tứ tấu, kết hợp với dàn dây hay dàn kèn, nhưng đó mới chỉ là “hy vọng trong tương lai”. “Để thực hiện một chương trình, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có việc xin tài trợ”, anh chia sẻ.
tin liên quan
Nghệ sĩ violin Nguyễn Hữu Nguyên về nước biểu diễnLãng phí tài năng
Không phải nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển nào cũng thực hiện được chương trình của riêng mình như vậy. Có nhiều nguyên nhân khiến những chương trình mang dấu ấn riêng của các nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển còn quá hiếm hoi.
GS Ngô Văn Thành, người thầy dìu dắt nhiều thế hệ nghệ sĩ tại Học viện Âm nhạc quốc gia (Hà Nội), nhìn nhận những chương trình âm nhạc cổ điển chất lượng cao đều đòi hỏi tiền đầu tư lớn, trong khi lại kén khán giả, dẫn đến việc kêu gọi tài trợ gặp nhiều khó khăn. Hiện nay một số nhãn hàng lớn đã thực hiện các chương trình hòa nhạc thường niên, nhưng vẫn còn quá ít và hiếm chương trình mang dấu ấn cá nhân của nghệ sĩ. Mặt khác, nhiều nghệ sĩ tài năng nhưng lại khiêm tốn, có người chưa được công chúng biết đến nhiều, có người chưa quen với việc dùng hình ảnh của mình để bán vé.
Hầu hết các chương trình được thực hiện đều từ sự nỗ lực của chính nghệ sĩ. Họ phải lo từ xin tài trợ đến tổ chức chương trình. Theo GS Ngô Văn Thành, bên cạnh sự “tự thân vận động” của các nghệ sĩ, xa hơn cần nhìn nhận về việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc để dần xây dựng lớp khán giả yêu thích âm nhạc cổ điển. Khi có được lượng công chúng đông đảo thì nhiều nhà tổ chức cũng sẽ hướng đến việc tổ chức các chương trình âm nhạc cổ điển. “Tôi biết nhiều em tốt nghiệp từ các trường đại học, thậm chí học thạc sĩ ở nước ngoài trở về, nhưng rất ít có cơ hội được biểu diễn trong chương trình đỉnh cao. Các em làm gia sư, dạy ở trường, đi làm ở các nhà hàng, biểu diễn trong các sự kiện, đệm cho ca sĩ. Những công việc này giúp các em có nguồn thu nhập, tuy nhiên các em vẫn luôn mong muốn được biểu diễn. Chúng ta còn ứ đọng nhiều “hàng” tốt, nhưng lại không biết sử dụng. Đó là sự lãng phí tài năng!”, GS Ngô Văn Thành tiếc nuối.
Bình luận (0)