Giải 'bài toán' cho ngành y: Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ như thế nào?

09/09/2022 06:34 GMT+7

Theo các chuyên gia, giá dịch vụ khám, chữa bệnh phải được tính toán đầy đủ tất cả chi phí. Bệnh nhân đóng BHYT khi vào bệnh viện công phải được hưởng gói dịch vụ cơ bản, phác đồ điều trị như nhau...

Căn nguyên thất bại của mô hình tự chủ BV chính là “giá”

Giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) không tính đúng, tính đủ là căn nguyên dẫn tới sự thất bại của mô hình tự chủ. Trong đó, có 3 “lỗ hổng” chủ yếu gồm: giá dịch vụ KCB tại bệnh viện (BV) công cho đối tượng tham gia BHYT; giá dịch vụ KCB theo yêu cầu; và giá dịch vụ y tế liên doanh liên kết (LDLK) với tư nhân.

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện, nguồn tài chính là một trong các yếu tố quyết định hoàn thành mục tiêu của đề án. Tuy nhiên, về giá dịch vụ KCB (nguồn thu chính của BV) đang gặp khó khăn do mức thu bất hợp lý. Theo quy định hiện hành của Bộ Y tế, giá dịch vụ KCB do BHYT chi trả mới tính 4/7 yếu tố kết cấu giá dịch vụ (chưa có chi phí quản lý, khấu hao tài sản, đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin...). Đồng thời, chi phí thuốc, vật tư tiêu hao, hàng hóa, tiền lương, tiền công... tăng hằng năm do giá thị trường tăng nhưng giá dịch vụ y tế không kịp điều chỉnh theo nên ảnh hưởng đến cân đối thu chi. BV Bạch Mai bị hụt thu 4.000 tỉ trong năm 2020 và 2021.

Giá dịch vụ y tế chưa phù hợp đang là mấu chốt với hệ thống y tế

Ngọc Thắng

Trong khi đó, giá KCB theo yêu cầu và LDLK cũng rơi vào hỗn loạn khi các BV tự chủ không biết tính theo mức nào; bởi 2 năm qua Bộ Y tế vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn. Đơn cử, tại BV Bạch Mai sau những sai phạm LDLK, BV phải rà soát lại toàn bộ hệ thống thiết bị. Kết quả dịch vụ của nhiều máy xã hội hóa đã phải điều chỉnh về giá BHYT. Ví dụ, giá siêu âm đang thu 110.000 đồng xuống còn 43.900 đồng/lần, Gamma Knife giảm từ 40 triệu đồng/lần xuống 28,79 triệu đồng/lần phẫu thuật; chụp CT 256 giảm từ 4,723 triệu đồng xuống 2,985 triệu đồng/lần...

Trong khi đó, các BV khác vẫn được thu với giá chênh lệch rất lớn, với cùng dịch vụ, tương đương về thiết bị và nhân lực chuyên môn. Cụ thể, siêu âm Doppler màu tim hoặc mạch máu, tại BV Bạch Mai được thu 222.000 đồng/lần nhưng BV ĐH Y Hà Nội là 310.000 đồng/lần; BV Hữu nghị Việt Đức là 500.000 đồng/lần. Siêu âm tim gắng sức, BV Bạch Mai 587.000 đồng/lần, BV ĐH Y Hà Nội và BV Hữu nghị Việt Đức thu 1 triệu đồng/lần.

Để xảy ra tình trạng loạn giá này có trách nhiệm rất lớn của Bộ Y tế khi thiếu quy định hướng dẫn. Chính vì vậy, ngoài tính đúng, tính đủ giá dịch vụ BHYT thì việc quản lý giá dịch vụ KCB theo yêu cầu và giải quyết giá dịch vụ LDLK sao cho minh bạch, bình đẳng là bài toán rất lớn của ngành y.

Theo GS-TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, vấn đề này chỉ giải tận gốc khi chúng ta tôn trọng tính đúng, đủ các yếu tố giá vào chi phí KCB, để BV không lo bù lỗ, trước khi tính đến phương án đưa ra dịch vụ kinh doanh. Bên cạnh đó, cần đưa ra phương án tính giá hợp lý cho khu vực dịch vụ, để họ chủ động cuộc chơi, trao cho họ cơ chế, lằn ranh pháp luật.

Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, thừa nhận giá dịch vụ y tế chưa phù hợp đang là mấu chốt với hệ thống y tế, với các BV tự chủ tài chính. Theo ông Long, Chính phủ đã có thông báo cho phép Bộ Y tế thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ. Bộ Y tế đã thành lập ban chỉ đạo để triển khai lộ trình này, và thời gian tới, vấn đề giá dịch vụ sẽ được điều chỉnh.

Đóng ít mà muốn hưởng nhiều, chất lượng cao thì thật khó

Trao đổi với Thanh Niên, các chuyên gia cho rằng để giải quyết bài toán giá ngành y thì cần phải tách bạch được rõ BV công - tư. Theo TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), BV công là của nhà nước nên nhà nước cần đầu tư. Và nguyên tắc tài chính là “công ra công, tư ra tư”.

Ông Quang cũng cho rằng BV công đã có khu vực KCB theo yêu cầu, do đó không nên xã hội hóa nữa. Khi đã vào BV công là phải chung 1 phác đồ, được hưởng dịch vụ như nhau. Người có khả năng chi trả thêm thì lựa chọn phòng dịch vụ. “Tương tự như lên máy bay, có tiền ngồi ghế hạng thương gia, ít tiền thì hạng phổ thông nhưng tất cả phải được đảm bảo như nhau về an toàn. Bây giờ dịch vụ y tế công nửa vời là không nên”, ông Quang so sánh.

Chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, cũng ủng hộ phương án BV công phải là công đích thực, tức chỉ cung cấp dịch vụ công y tế, không có giá LDLK, thậm chí không có dịch vụ KCB theo yêu cầu. Trả BV công về đúng nghĩa thì phải giảm tải mục tiêu chính sách, chất lượng tốt; giá cả rẻ và phải cho y tế tư nhân phát triển.

Với hướng tư duy này, theo ông Đồng, nhà nước (trực tiếp là BHXH) nên thiết kế gói dịch vụ KCB chi trả bảo hiểm cơ bản được tính đúng, tính đủ. “Nhà nước phải nâng mức chi trả BHXH, BHYT lên để cho người dân được hưởng dịch vụ tốt hơn. Còn về mặt bản chất là ở mức cơ bản và lấy tiền của người giàu chia cho người nghèo, thông qua quỹ và thuế”, ông Đồng nói và phân tích thêm, để tạo sự bình đẳng thì điều tiết chính sách bù đắp thêm cho những nhóm đối tượng cụ thể.

Gói cơ bản mà BHYT chi trả, theo ông Đồng cần được áp dụng tại tất cả BV công và tư. Nhà nước tạo điều kiện để tất cả BV đủ tiêu chuẩn có thể tham gia, còn ai muốn dịch vụ tốt hơn, chất lượng hơn sẽ KCB theo yêu cầu và chi trả nhiều hơn.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội, cũng cho rằng việc tính đúng, tính đủ đương nhiên phải làm rõ ràng, minh bạch. Nhà nước có tính tới việc thiết kế giá sàn tính đúng, tính đủ (tức gói cơ bản), thậm chí có thể mở rộng, gói cao hơn có thể chi nhiều tiền hơn cho BHYT. “Như hiện nay, Quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn, hằng năm phải chi hết để lo cho người dân trong KCB thì lại kết dư khá nhiều tiền. Nguyên nhân do điều trị giá rẻ, đẩy ngành y vào chất lượng thấp. Như vậy người dân làm sao tin vào ngành y nữa. Mình không tính đúng, tính đủ, mà cứ ngồi đóng ít lại muốn hưởng nhiều thì thật khó”, ông Phong nói.

Về lo ngại tăng mức đóng có thể gây phản ứng tiêu cực trong xã hội, theo ông Phong, điều cốt yếu là chất lượng tốt và sự minh bạch. Khi tính đúng, tính đủ và minh bạch thì người dân đóng BHYT sẽ biết mình được hưởng ở mức nào và an tâm hưởng mức đó. Còn giá cả có thay đổi kèm theo chất lượng cao hơn, phải đóng thêm tiền thì người bệnh cũng vui vẻ chấp nhận. (còn tiếp)

Nhìn từ góc độ của BV tư, luật sư Phạm Văn Học, Tổng giám đốc BV đa khoa Hùng Vương, kiến nghị làm rõ gói dịch vụ KCB chi trả bảo hiểm cơ bản và BV tư tham gia, BN khi đi khám cũng được thanh toán gói BHYT cơ bản một cách dễ dàng, thuận lợi.

Về nguyên tắc, theo ông Học, nhà nước cần quản lý giá và xác định mức giá cố định là đúng để làm căn cứ thanh toán bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu muốn công bằng thì cần quy định rõ hai loại: thứ nhất, giá dịch vụ y tế thiết yếu (KCB an sinh xã hội) điều chỉnh 1 - 2 lần/năm để theo kịp với biến động giá hiện hành. Thứ hai, giá dịch vụ y tế chất lượng cao theo thỏa thuận.

Theo ông Học, hiện nay dịch vụ y tế được nhà nước định giá dựa trên CPI, mức lương kết cấu cơ bản… Điều này mang yếu tố chủ quan, trong khi giá dịch vụ y tế là khách quan, nhiều yếu tố phụ thuộc vào thị trường như máy móc, thiết bị, thuốc (đặc biệt thuốc chẩn đoán) dao động theo thị trường rất mạnh. Ông Học cho rằng BV công nhà nước nên đưa ra mức giá cố định vì phù hợp với mục c, khoản 3, điều 19 của luật Giá (nhà nước định giá trong các cơ sở y tế công lập).

Tuy nhiên, điều băn khoăn của luật sư Học là hiện y tế tư nhân cũng tham gia vào KCB BHYT, nên quy định này vô tình gây khó cho họ. Do đó, cần sửa quy định giá theo hướng nhà nước định giá dịch vụ KCB cơ bản để làm căn cứ thanh toán BHYT, còn những dịch vụ không cơ bản (khoa khám theo yêu cầu, chọn bác sĩ…) để BV tự quyết định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.