'Giải cứu' máy cày

05/05/2014 10:19 GMT+7

Lão nông Phan Ngọc Tấn (56 tuổi, ngụ tổ 3, P.Trần Hưng Đạo, TP.Kon Tum) đã cải tiến và đưa hàng chục chiếc máy cày đang bị “đắp chiếu” vào sử dụng.

'Giải cứu' máy cày
Ông Tấn vận hành chiếc máy cày đã được cải tiến

Nghe tin, đại diện Trạm Khuyến nông TP.Kon Tum cùng 18 hộ nông dân (những hộ được Trạm Khuyến nông cấp phát máy cày) đã lặn lội tìm đến rẫy ông Tấn để học hỏi cách chế tạo, cải tiến và cung cách sử dụng máy cày. Tận mắt nhìn thấy chiếc máy cày của ông Tấn chạy êm, nhẹ nhàng, làm việc hiệu quả ngay cả trên đất triền đồi dốc, những nông dân không khỏi ngạc nhiên, thán phục.

 

Không chỉ là một nông dân sản xuất giỏi, năm 2012 ông Tấn còn chế tạo ra một chiếc máy xới cỏ từ lốc xe máy. Đến nay, chiếc máy xới cỏ hoạt động rất hiệu quả và được nhiều người đặt mua.

Ông A Ngô ở xã Vinh Quang, TP.Kon Tum, cho biết: “Từ lúc nhận máy cày về đến nay tôi đã làm đủ mọi cách mà vẫn không sử dụng được, cứ nổ máy lên là nó giật mạnh làm cả người lẫn máy đều đổ ngã dúi dụi. Nay thấy anh Tấn cải tiến, làm máy hoạt động tốt thế này tôi rất thán phục, tôi học cách làm của anh để về áp dụng, đưa máy của tôi vào sử dụng chứ máy mới mà bỏ không, uổng phí quá”.

Được biết, giữa năm 2013, từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông quốc gia trong dự án “Cơ giới hóa sản xuất mía”, Trạm Khuyến nông TP.Kon Tum đã phát 18 máy cày (giá trị trên 27 triệu đồng/máy) cho các hộ dân trồng mía. Nhưng những chiếc máy cày này được thiết kế không phù hợp với đất đồi núi nên không thể hoạt động, từ lúc nhận máy về bà con chỉ cất vào một xó, không thể đưa vào sản xuất.

Trước thực trạng chiếc máy cày mới “nằm đắp chiếu” trong khi chính mình phải vắt kiệt sức để làm, lão nông Phan Ngọc Tấn quyết tâm tìm hiểu nguyên nhân và cải tiến chiếc máy cày. Ông Tấn cho biết: “Máy cày của Trạm Khuyến nông cấp do bị mất cân đối, lốc máy quá nặng trong khi đó bánh lồng quá nhỏ, lực bám ít, chỉ cần độ nghiêng chừng 5 cm là máy lật liền, tôi đã phải tốn rất nhiều sức nhưng vẫn không thể giữ cho máy được thăng bằng”.

Tìm được nguyên nhân, ngay lập tức ông Tấn bắt tay vào cải tiến. Ông mua sắt về hàn, mở rộng bánh lồng ra thêm 30 cm. Theo ông, với độ rộng này bánh lồng cân đối với độ nặng của đầu máy,làm cho chiếc máy cày cân bằng, không bị nghiêng khi hoạt động. Không chỉ thế, nhận thấy máy cày không có két nước, hoạt động tầm 15 phút đã nóng ran, người sử dụng phải chế nước liên tục, ông Tấn đã thiết kế thay két nước cho máy cày. Như được bắt đúng mạch, ngay sau khi được chế tạo lại bánh lồng và két nước, chiếc máy cày đã hoạt động êm, nhẹ nhàng và hiệu quả ngay cả trên đất cứng, đồi núi. “Với cái máy này, một ngày tôi có thể vun hàng được 1 ha đất mà không tốn đến 10 lít dầu, giảm 6 lần chi phí so với sử dụng nhân công” - ông Tấn cho biết.

Trong buổi tập huấn, ông Tấn đã nhiệt tình chỉ cho bà con cách chế tạo bánh lồng cũng như cách thay và lắp két nước trong máy cày. Ông chia sẻ với bà con, khi sử dụng máy này để vun hàng thì khoảng cách giữa các hàng mía lên đến 1,2 mét, để cùng một diện tích mà năng suất không giảm, người dân có thể thu hẹp khoảng cách giữa các cây mía trên một luống.

 

Ông Nguyễn Châu, Trưởng trạm Khuyến nông và dịch vụ nông lâm nghiệp TP.Kon Tum, cho biết: “Anh Tấn đã phát hiện và khắc phục được những nhược điểm để chiếc máy cày có thể sử dụng. Thông qua buổi tập huấn này không chỉ bà con nông dân mà chúng tôi cũng học hỏi được rất nhiều điều, hi vọng với chiếc máy cày được cải tiến phù hợp bà con sẽ sản xuất được hiệu quả, chất lượng”.

Hoài Tiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.