Giải cứu tàu cá của ngư dân Quảng Bình mắc cạn tại vùng biển Quảng Trị

12/10/2023 15:31 GMT+7

Tàu cá QB - 92407 TS của ngư dân Quảng Bình đã bị chết máy, trôi dạt, mắc cạn tại vùng biển thôn Thử Luật (xã Vĩnh Thái, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị).

Ngày 12.10, Đồn Biên phòng Cửa Tùng (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan triển khai các phương án giải cứu tàu cá bị trôi dạt, mắc cạn tại xã Vĩnh Thái (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị)

Trước đó, trong quá trình neo đậu trên tại vùng biển xã Vĩnh Thái, tàu cá QB - 92407 TS do ông Hồ Đăng Xô (48 tuổi, trú tại H.Bố Trạch, Quảng Bình) làm thuyền trưởng bị đứt neo, chết máy. Tàu bị trôi dạt, mắc cạn tại vùng biển thôn Thử Luật (xã Vĩnh Thái) khi trên tàu có 4 thuyền viên.

Một tàu cá của ngư dân Quảng Bình mắc cạn tại vùng biển Quảng Trị - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng ra thăm hỏi thuyền trưởng tàu cá bị mắc cạn

THANH LỘC

Đồn Biên phòng Cửa Tùng cho biết ngay sau khi nhận được tin báo, đơn vị đã cử lực lượng có mặt tại hiện trường nắm thông tin, hỗ trợ chủ tàu cá và các thuyền viên trên tàu, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan lên phương án giải cứu tàu cá bị mắc cạn.

Đơn vị đã huy động một tàu cá ở Cửa Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị) ra hỗ trợ kéo tàu ra khỏi khu vực mắc cạn. Dự kiến chiều  cùng ngày, tàu cá này sẽ có mặt để triển khai phương án giải cứu nếu điều kiện thời tiết thuận lợi. Theo trung tá Trần Tuấn Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Tùng, việc cứu hộ này cần tiến hành khẩn trương là bởi trong tình hình thời tiết hiện nay, tàu mắc cạn sẽ bị sóng lớn đánh liên tục, làm tăng nguy cơ hư hỏng tàu, gây thiệt hại cho ngư dân.

Yêu cầu theo dõi sát mưa lũ để cho học sinh nghỉ học khi cần thiết

Ngày 12.10, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đã có công văn gửi các đơn vị, trường học yêu cầu theo dõi, ứng phó với tình hình mưa lũ. Theo đó, Sở GD-ĐT Quảng Trị yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, trường học; Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động nắm tình hình thực tế mưa lũ trên địa bàn. Trong đó, lưu ý những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, khu vực qua các ngầm, tràn, khu vực nước chảy xiết, vùng ngập lụt cục bộ để chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho học sinh và giáo viên. Tùy theo diễn biến mưa lũ và điều kiện thực tế tại cơ sở, thủ trưởng các đơn vị cho học sinh nghỉ học trong trường hợp không bảo đảm an toàn cho học sinh. Chủ động thông báo cho học sinh trở lại trường khi tình hình mưa lũ không còn diễn biến phức tạp.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.