Hai giáo sư ở Hawaii (Mỹ) đã điều chế một loạt các dòng nước hoa của người Ai Cập cổ đại, bao gồm mùi hương độc nhất vô nhị được cho là thuộc về nữ hoàng Ai Cập Cleopatra.
Nước hoa của vương giả
Chứng cứ về hoạt động sản xuất nước hoa đã được tìm thấy ở Syria và có niên đại cách đây 7.000 năm. Kết quả phân tích chữ tượng hình giúp tiết lộ người Ai Cập cổ xưa bắt đầu điều chế nước hoa vào khoảng năm 3.000 trước Công nguyên (TCN), ban đầu nhằm mục đích phục vụ tín ngưỡng, dâng lễ vật cho đấng thiêng liêng và sau đó là sử dụng trong quy trình ướp xác.
Theo chuyên trang Ancient Egypt Online, lần đầu tiên chữ “Kyphi” (có nghĩa là hương của đền thờ) xuất hiện trong kim tự tháp là vào triều đại thứ 5 và thứ 6 của Vương quốc Cổ Ai Cập (từ năm 2686 - 2181 TCN). Trong khi không cung cấp bất kỳ công thức nào cho phép tạo ra Kyphi, hoặc liệt kê các thành phần cụ thể, những văn tự này nói rõ Kyphi là một trong những vật xa xỉ mà các pharaoh sử dụng trong cuộc hành trình tiến về thế giới bên kia.
Trong số các pharaoh, nữ hoàng Cleopatra nổi tiếng mê nước hoa. Vậy thì mùi hương của bà như thế nào? Một điều chắc chắn là nó phải hết sức quyến rũ để giúp bà thu phục những bậc kiêu hùng của thời đại đó, lần lượt là vị hoàng đế đầu tiên của La Mã Julius Caesar và thống chế Marc Antony.
Theo trang Mysterious Universe dẫn tài liệu ghi lại: “sau khi Julius Caesar chết trong vụ ám sát, bà rời Rome và trở thành nữ hoàng của Ai Cập. Tại đây, bà đón chào Marc Antony trên một chiếc thuyền với những cánh buồm ngát hương. Sự xuất hiện của nữ hoàng Cleopatra được công bố bởi bầu không khí sực nức hương thơm trước khi chiếc thuyền của bà lộ diện trước tầm mắt mọi người”. Cũng vì thế, dòng nước hoa mang đặc trưng của Cleopatra luôn là bí ẩn được người đời sau theo đuổi.
Chanel No.5 cổ đại
Giáo sư Robert Littman, nhà khảo cổ học của Đại học Hawaii (Mỹ), và đồng sự Jay Silverstein là những người tuyên bố tái tạo thành công những dòng nước hoa thời xưa.
Vào năm 2012, sau một thập niên khai quật cổ thành Thmuis (Tell Timai) trên đồng bằng sông Nile, đội ngũ chuyên gia do Giáo sư Littman dẫn đầu đã phát hiện một xưởng sản xuất thuộc về một thương gia chuyên kinh doanh nước hoa vào khoảng 300 năm TCN. Họ tìm ra nhiều vò và chai lọ vẫn còn dính lại phần cặn, nhiều khả năng là hai loại nước hoa nổi tiếng nhất thời đó là Mendesian và Metopian.
Theo thông cáo báo chí của Đại học Hawaii, Giáo sư Littman gửi mẫu cặn cho các nhà nghiên cứu người Đức là Dora Goldsmith và Sean Coughlin. Hai chuyên gia về nước hoa Ai Cập phân tích được các thành phần như chất nhựa thơm, cây bạch đậu khấu, dầu ô liu và quế. Dựa trên các văn bản cổ, họ bắt tay vào điều chế nhiều loại nước hoa có mùi hương nồng hơn so với thời hiện đại và thơm rất lâu khi được phun lên cơ thể, trong đó có loại nhiều khả năng được nữ hoàng Cleopatra từng yêu quý. Giáo sư Littman phản ứng vô cùng phấn khích khi cuối cùng cũng gửi được mùi hương đã biến mất suốt 2.000 năm qua. “Đây là nước hoa Chanel No.5 của thế giới Ai Cập cổ đại”, vị giáo sư tuyên bố trên tạp chí Atlas Obscura. Ông khẳng định đây là loại nước hoa đắt nhất vào thời đó.
Bộ sưu tập nước hoa cổ đại đang được triển lãm tại sự kiện do tạp chí National Geographic tổ chức ở thủ đô Washington D.C (Mỹ).
Bình luận (0)