Giải mã hiện tượng 'loạn chuẩn' trong giới trẻ

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
02/04/2019 07:36 GMT+7

Một thanh niên từng vào trại giáo dưỡng và đi tù vài lần nay được giới trẻ tung hô, trở thành một trong những YouTuber nổi tiếng nhất hiện nay.

Một người gọi là “giang hồ” về thăm nữ sinh Hưng Yên bị bạn đánh hội đồng cũng được nhiều người trẻ tán dương. Kiểu tung hô theo hướng “loạn chuẩn” này đã trở thành một xu hướng của giới trẻ hiện nay.
[VIDEO] Khá Bảnh là ai, tại sao anh ta nói toàn chuyện "đạo lý" mà vẫn bị bắt?

Đánh trúng tâm lý đám đông


Vào YouTube, sẽ nhận ra ở đây có một thế giới “giang hồ” với những cái tên rất quen thuộc. K.BảnH chỉ là một nhân vật đáp ứng được nhiều nhất sự thích thú của giới trẻ. Nghề của những người này chủ yếu là cầm đồ, cho vay tiền, đòi nợ thuê… Không ít người trong số đó từng vào trại giáo dưỡng, vào tù như K.BảnH. Nhưng trên mạng xã hội, họ sở hữu những kênh YouTube đạt nút vàng, nút bạc, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng.
Việc “chiếm sóng” này, đáng tiếc thay, lại kéo theo một lớp người trẻ mê cuồng, thần tượng quá đáng. Bây giờ, đi khắp nơi sẽ thấy rất nhiều người trẻ cắt mái tóc “chắn bùn” của K.BảnH. Điệu múa quạt của người này cũng trở nên nổi tiếng trong giới học sinh cùng hàng loạt phát ngôn mà giới trẻ xem là “cực chất”.
Trong một nỗ lực tìm hiểu lý do của việc thần tượng này từ chính những người trẻ, chúng tôi tìm đến những bạn trẻ đã từng vào fanpage của K.BảnH bình luận công khai sự yêu thích của mình.
Hà V.T (17 tuổi) trả lời gọn lỏn khi chúng tôi đề nghị được hỏi về chuyện K.BảnH: “Tôi thích nó, OK?”!
Còn H.L, sống ở Thái Bình, cho biết thích K.BảnH vì vẻ ngoài và cách nói chuyện hài hước của người này. “Mình có để ý đến chuyện xã hội của K.BảnH nhưng ít thôi. Những bạn thần tượng K.BảnH mình nghĩ cũng không để ý nhiều chuyện này. Họ thích K.BảnH vì cách sống, cách ăn mặc. Trông không giống ai nhưng nhiều người thấy… chất”, H.L chia sẻ.
Nguyễn Ngọc Long, người sáng lập Truyền thông Trăng Đen, nhận định: “Phần đông những bạn trẻ "hâm mộ" K.BảnH thuộc thế hệ 10X (hay còn gọi là GenZ), nhưng chỉ là thiểu số, không đại diện cho "giới trẻ" nói chung. Tôi đưa ra nhận định này vì hai lý do.
Thứ nhất, bằng cảm quan, tôi thấy đa số thông tin những người tương tác với nhân vật này trong các buổi trực tiếp (live stream) rơi vào nhóm các bạn trẻ có điều kiện sống khá "đặc thù", nhận thức còn hạn chế và không ở các thành phố lớn.
Thứ hai, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng GenZ là nhóm có cái nhìn không giống "chúng ta" của 10 - 20 năm trước. Do điều kiện sống khác, môi trường giao thoa văn hóa khác nên GenZ có những suy nghĩ và tiêu chuẩn mang nhiều khác biệt. Vậy nên, lượt theo dõi và xem K.BảnH trên mạng xã hội tuy nhiều nhưng số lượng người thực sự "hâm mộ" bạn này sẽ không đại diện cho "giới trẻ" nói chung. Có chăng, chỉ mới dừng lại ở việc "theo dõi" mà thôi”.
Theo Ngọc Long, nội dung trên YouTube của K.BảnH đánh thẳng vào sự hiếu kỳ, tò mò của mọi người, rất đúng và rất trúng tâm lý của đám đông, cho nên K.BảnH có lượt theo dõi cao là điều "dễ hiểu".

Sản phẩm sinh ra từ vùng tối

Nguyễn Ngọc Long cũng cho rằng hiện tượng được gọi là “loạn chuẩn” này không thể hiện rằng giới trẻ đang có "vấn đề" mà chính gia đình, xã hội, truyền thông và pháp luật mới đang có "vấn đề rất nặng" khi cố tình phủ nhận sức ảnh hưởng của những người như K.BảnH. Đây là sản phẩm sinh ra từ vùng tối của truyền thông xã hội, nơi mọi thứ không bị kiểm soát gắt gao và những mong muốn thầm kín của con người có môi trường phát lộ ra ngoài.
“Nhà trường và các bậc cha mẹ nên xem K.BảnH để tìm cách hiểu và bảo vệ con em mình bằng những định hướng đúng đắn. Cũng như câu chuyện tranh cãi mấy chục năm rằng có nên ngăn chặn trẻ vị thành niên khỏi các video sex hay chủ động vẽ đường cho hươu chạy đúng. Bên cạnh đó, tôi cũng kêu gọi Chính phủ và các nền tảng truyền thông xã hội như YouTube (Google), Facebook phải có trách nhiệm hơn trong việc định hướng này. Không cần cấm nhưng phải có quy định cụ thể về cảnh báo trong các clip kiểu như K.BảnH để những bạn trẻ có nhận thức chưa chín chắn đừng học theo”, Ngọc Long chia sẻ.
Anh Nguyễn Trung Kiên, nghiên cứu sinh xã hội học tại ĐH Monash (Úc), nhận định K.BảnhH là đại diện cho một giá trị “anh hùng” của một bộ phận xã hội trong bối cảnh xã hội loạn giá trị. “Trong bối cảnh các khuôn mẫu và hệ giá trị chính danh bị xói mòn, và một bộ phận giới trẻ sinh ra và lớn lên trong sự lung lay không biết đặt niềm tin vào đâu thì K.BảnH lại là một nhân vật có khả năng tạo ra các giá trị lấp vào sự hụt hẫng đó”, anh Kiên nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.