Giải mã mảng chạm khắc đình làng: Ngắm thuyền đua trên mảng chạm đình Cam Đà

18/09/2021 06:11 GMT+7

Một chiếc thuyền bơi, một con rồng lượn, cành trúc vươn cao, một con bồ nông… hội tụ trên cùng một mảng chạm ở đình Cam Đà. Chỉ thế thôi mà biểu đạt cả một kho tàng về văn hóa , tập tục, điển tích, nghệ thuật, sử liệu… ở xã hội đương thời.

Đình cổ Cam Đà tương truyền được xây dưới thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17), nay thuộc vùng Cam Thượng, Ba Vì, Hà Nội. Trong vô số chi tiết chạm khắc - trang trí kiến trúc đình Cam Đà, nổi bật có bức chạm thể hiện rõ nét ba phân lớp với hình ảnh người chèo thuyền, rồng và trúc.

Thể hiện đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc

Trong lịch sử phát triển mỹ thuật dân gian, thế kỷ 17 được xem là giai đoạn đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc (gỗ), ứng dụng vào trang trí kiến trúc (đình, chùa). Đề tài thể hiện ở giai đoạn này rất đa dạng, phong phú cả nội dung lẫn hình thức. Nghệ nhân khi trang trí thường gửi gắm trong đó hàm ý sâu xa, đầy biểu cảm.
Những đề tài, hình tượng… mang tính bình dân, gắn với đời sống dân gian thường được “nâng cấp” cho thiêng hóa, thành linh, mang sắc thái cao sang, quyền quý hơn (nghê là một ví dụ). Ở chiều ngược lại, linh vật chốn cao thiêng lại được gần gũi hóa, trở nên thân thiện, gắn kết với con người (như rồng, phượng). Mảng chạm ở đình Cam Đà giới thiệu trong bài viết này, thể hiện ít nhiều tư duy sáng tác ấy trong nghệ thuật điêu khắc, trang trí kiến trúc đình làng Đại Việt.
Nhìn trên bố cục mảng chạm, yếu tố dân gian được thể hiện rõ qua hình ảnh người chèo thuyền, trên cao là cành trúc, trên cành trúc là hình tượng một loài thủy cầm - chim bồ nông. Bối cảnh xã hội Đại Việt đương thời ở triều Lê Trung hưng, nhiều đình, chùa mỹ lệ được kiến tạo, đất nước có nền nông nghiệp lúa nước phì nhiêu, là môi trường lý tưởng để nhiều giống loài thủy cầm phát triển.
Mảng chạm đã mất đi một số chi tiết, nhưng không giảm vẻ đẹp độc đáo vốn có. Hình ảnh chèo thuyền, gợi lên thật nhiều điều. Đề tài này xuất hiện khá phổ biến trong kiến trúc đình làng như đình Hương Canh (Vĩnh Phúc) thế kỷ 17, đình Hoành Sơn (Nghệ An) thế kỷ 18… Xét về địa lý, đình Cam Đà nằm ven sông Hồng, nếu là thời chiến, chèo thuyền là một trong những hình thức huấn luyện thủy quân, rèn luyện bản lĩnh nghề sông nước cho dân bản địa. Còn ở thời bình, việc di chuyển đường thủy của ngày xa xưa hẳn thuận tiện hơn đường bộ. Riêng dịp hội làng, nét đẹp bơi trải (một loại thuyền hẹp và dài, dùng bơi đua - Việt Nam tự điển, Lê Văn Đức) là một hoạt động vui nhộn, đầy sôi động.
Chỉ với kỹ thuật chạm chìm - nổi, thấp - cao, hình ảnh chiếc thuyền với thứ tự từ phần đuôi có người cầm mái lái, ba mái chèo giáp mái lái với đốc nhất, đốc nhị, đốc tam. Mũi thuyền có người đầu chít khăn, nếu là đua thuyền thì đấy là mõ hiệu, hò mõ (có nơi gọi đánh phách), làm nhiệm vụ chỉ huy, giữ nhịp cho các tay bơi; nếu là vua quan thì đây hẳn là con thuyền đang trên đường kinh lý.

Yếu tố linh thiêng và dân gian song hành

Ngay trên mảng chạm chèo thuyền là hình tượng rồng, với dáng thế cũng rất đặc biệt. Rồng vờn ngang, dõi hướng mắt về những người chèo thuyền như đang quan sát trong gương mặt và thần thái đầy hoan hỉ. Trong xã hội phong kiến, rồng biểu trưng cho thế giới trên cao, linh thiêng, cho đẳng cấp vua quan, nhưng khi vào nghệ thuật dân gian, rồng được người tác tạo “kéo” vị trí cao sang ấy xuống gần gũi hơn với chúng sanh. Đây là hình thức dân gian hóa những khái niệm, quy phạm trước đó về hình tượng rồng.
Khóm trúc được đưa vào mảng chạm cũng rất tài tình, ăn ý, “mềm hóa” tổng thể nhờ tạo dáng uyển chuyển, lay động, đồng thời tạo thêm cho bố cục mảng chạm được hài hòa, chặt chẽ. Có thể thấy thấp thoáng đề tài quen thuộc “trúc hóa rồng”, nhưng không hẳn là “hóa” như kiểu thức thường gặp, mà chỉ là đứng cạnh nhau, gần gũi nhau, trúc vẫn cứ trúc, rồng vẫn y rồng. Yếu tố dân gian và linh thiêng song hành, không ranh giới cụ thể.
Trên cao không của trúc, lại là con chim bồ nông. Theo lẽ thường, rồng phải là con vật ngự trị trên tầng cao nhất, chim bồ nông với thế giới kiếm ăn mặt nước, đồng ruộng lại hoán đổi vị trí cho rồng. Sự tài tình trong nghệ thuật dân gian chính ở chi tiết thú vị ấy. Dưới chân khóm trúc, lại một hình tượng sánh ngang với rồng, (khả năng cao) là nai (lộc). Trúc không chỉ đi với rồng, trúc lại còn sánh đôi cùng lộc để tạo nên ý nghĩa tốt lành: trúc - lộc (hàm âm chúc lộc).
Mảng chạm như đang diễn tả một hoạt cảnh lễ hội bơi trải đầy sôi động (hình tượng người đứng đầu mũi thuyền, đầu chít khăn giống với hò mõ trong bơi trải hơn là quan viên hay vị tiên đế vi hành), đến nỗi rồng phải rời vị trí cao không, lượn xuống sát mặt nước xem đua thuyền. Mặt nước bị khuấy động, huyên náo, chim bồ nông tạm nhường lãnh địa của mình đậu lên cành trúc xem hội thi bơi. Cặp đôi trúc - lộc, gửi gắm lời chúc tốt lành đến cho hội thi, cho mọi người tham gia bơi trải luôn được hưởng phúc lộc bình an, toàn gia hoan hỉ.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.