Giải mã những cột mốc chủ quyền - nhà giàn DK1 - Kỳ 1: ‘Không làm sẽ mang tội với con cháu’

05/08/2014 09:30 GMT+7

(TNO) Những ngày này, ký ức về thời gian đầu tiên xây dựng nhà giàn DK1 chợt ùa về trong ông Đặng Hữu Quý - nguyên Chủ nhiệm Thiết kế công trình nhà giàn DK1. Thời điểm năm 1989, ông Quý là Phó chánh kỹ sư Viện Nghiên cứu và thiết kế khoa học dầu khí biển (NIPI).

(TNO) Những ngày này, ký ức về thời gian đầu tiên xây dựng nhà giàn DK1 chợt ùa về trong ông Đặng Hữu Quý - nguyên Chủ nhiệm Thiết kế công trình nhà giàn DK1. Thời điểm năm 1989, ông Quý là Phó chánh kỹ sư Viện Nghiên cứu và thiết kế khoa học dầu khí biển (NIPI).


Các nhà giàn DK1 có vị trí quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam - Ảnh: Kiên Trung

“Những ngày tháng 5, tháng 6 rực lửa, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nơi trên thế giới nhằm phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng lãnh hải Việt Nam. Những ký ức về biển đảo và khí thế hào hùng của những ngày xây dựng các công trình DK1 đầu tiên cắm mốc chủ quyền tại quần đảo Trường Sa vẫn còn in đậm trong tâm trí chúng tôi, như mới xảy ra ngày hôm qua”, ông Quý lý giải về những hồi ức của mình.

Hậu sự kiện Gạc Ma

Ông Quý bồi hồi nhớ lại: Tháng 12.1988, ông được Phó tổng giám đốc Xí nghiệp liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro Ngô Thường San (hiện ông San là Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - PV) gọi lên văn phòng.

Khi ông Quý có mặt, ông San đang tiếp hai vị khách mặc quân phục, mang hàm thượng tướng và thiếu tướng. Hai vị khách này chính là Thứ tưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Đào Đình Luyện và Chính ủy Bộ Tư lệnh công binh Nguyễn Bình.

 

DK1 là cụm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật được xây dựng dưới dạng các nhà giàn, trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, cách đất liền khoảng 250-350 hải lý. DK là chữ cái đầu viết tắt của cụm từ Dịch vụ - Khoa học kỹ thuật, được hiểu như một công trình phục vụ mục đích dân sự trên biển. Số 1 chỉ những nhà giàn ở vòng ngoài cùng, xa nhất, so với phía gần đất liền hơn là hệ thống DK2.

Ông Quý cùng lãnh đạo Vietsovpetro rất bàng hoàng và xúc động khi nghe thượng tướng Đào Đình Luyện kể lại tinh thần chiến đấu hết sức dũng cảm và sự hy sinh anh dũng của các cán bộ chiến sĩ hải quân trong trận chiến Gạc Ma năm 1988.

Vào ngày 14.3.1988, ba tàu chiến lớn của Trung Quốc kéo đến lấn chiếm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ban đầu tàu Trung Quốc chủ động đâm va nhằm tiến vào chiếm đảo nhưng vấp phải sự truy cản của các chiến sĩ hải quân kiên định bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trung Quốc đã điên cuồng nã đạn vào các tàu HQ 604, HQ 605 và HQ 505 nhưng các chiến sĩ hải quân Việt Nam không hề lùi bước.

Chủ quyền các đảo Cô Lin, Len Đao được giữ vững nhưng quân xâm lược Trung Quốc đã chiếm đảo Gạc ma, bắn chìm các tàu HQ 604, bắn hỏng hoàn toàn tàu HQ 505 và 64 chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh.

Sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông là lý do khiến Bộ Quốc phòng quyết tâm xây dựng nhà giàn DK1 để giữ vững chủ quyền biển đảo.

Theo ông Quý, việc Bộ Quốc phòng đề nghị Vietsovpetro tham gia xây dựng nhà giàn DK1 là bởi từ năm 1981 - 1988, Vietsovpetro đã thăm dò, khai thác, xây dựng nhiều công trình giàn khoan dầu khí qui mô lớn ngoài biển, tiêu biểu là mỏ Bạch Hổ với các giàn MSP1, BK2, MSP 3,4,5,6, CPP2...

Vietsovpetro cũng là đơn vị đầu tiên tại miền Nam có cơ sở vật chất kỹ thuật có thể xây dựng các giàn khoan dầu khí lớn ngoài biển tới độ sâu 100 m nước.

“Giữ chủ quyền cho con cháu mai sau”

Sau cuộc gặp với thượng tướng Đào Đình Luyện, lãnh đạo Vietsovpetro ý thức được nhiệm vụ quan trọng là Vietsovpetro phải phối hợp với Bộ tư lệnh Công binh xây dựng các giàn DK1 trên các bãi ngầm san hô thuộc quần đảo Trường Sa để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này.

“Anh San sau khi gặp tướng Luyện đã gọi tôi lên đặt câu hỏi: Liệu có làm được nhà giàn DK1 ở Trường Sa không? Tôi nêu rõ chính kiến là việc xây dựng nhà giàn DK1 góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước nên anh cứ tin tưởng anh em. Chắc chắn sẽ xây dựng được”, ông Quý khẳng định.

Tuy nhiên lúc này tướng Đào Đình Luyện trình bày Bộ Quốc phòng không có ngân sách và ngoại tệ để mua sắt thép, cũng như kinh phí cho việc thi công các công trình này.

Để giải quyết bài toán này, Phó tổng giám đốc Vietsovpetro Ngô Thường San đã đặt vấn đề với phía Nga xin được sử dụng các ống thép đường kính lớn còn thừa trong kho vật tư của Vietsovpetro để xây dựng nhà giàn DK1.

Ông San cũng đề nghị sử dụng tàu cẩu NPK với hai tàu dịch vụ Sao Mai và Phú Quý trong thời gian 10 ngày để thi công công trình. Đề nghị này được phía Nga trong Vietsovpetro đồng tình.


Nhà giàn DK1 còn giúp các tàu cá của ngư dân neo đậu khi có gió bão hay sự cố - Ảnh: Tư liệu nhà giàn DK1

Lúc bấy giờ việc đề nghị Vietsovpetro tham gia xây dựng nhà giàn DK1 là khá nhạy cảm. Bởi Vietsovpetro là liên doanh của hai nước Việt Nam và Nga. Ở liên doanh này, các vị trí đứng đầu thường do người Nga nắm giữ.

“Người Việt Nam chỉ làm phó ở liên doanh thôi và không phải cái gì cũng quyết được. Để tham gia xây dựng nhà giàn DK1, phía Việt Nam phải đấu tranh rất quyết liệt nhưng cũng rất tế nhị”, ông San bày tỏ.

Rất may mắn là ở Vietsovpetro, các phòng ban, xí nghiệp đều do người Nga đứng đầu, chỉ riêng giám đốc xí nghiệp xây lắp dầu khí lại là người Việt. Vị trí lãnh đạo xí nghiệp xây lắp do ông Nguyễn Trọng Nhưng đảm nhận. Lúc này ông Nhưng là giám đốc đầu tiên và duy nhất ở liên doanh Vietsovpetro.

“Tôi nói với anh San là anh cứ quyết chủ trương với lãnh đạo Vietsovpetro. Nếu lãnh đạo đồng ý, em sẽ điều thiết bị và nhân lực ra xây dựng nhà giàn DK1 vì cái này liên quan đến chủ quyền đất nước. Chúng ta cần phải làm sớm, làm nhanh để giữ biển”, ông Nhưng kể lại.

Việc nắm giữ vị trí lãnh đạo xí nghiệp xây lắp đưa lại thuận lợi cho Việt Nam là chủ động tính toán trong sản xuất của Vietsovpetro cũng như việc sắp sếp nhân sự, phương tiện phục vụ cho việc xây dựng nhà giàn.

Tháng 2.1989, Vietsovpetro thành lập Ban Dự án DK1 gồm 8 thành viên giữ vị trí chủ chốt ở Vietsovpetro, do ông Ngô Thường San làm trưởng ban chỉ đạo. Đồng thời một “đội đặc nhiệm” xây dựng nhà giàn DK1 được lập ra sẵn sàng trực chỉ biển Đông trong những ngày gian khó.

“Việc xây dựng nhà giàn DK1 là để bảo vệ chủ quyền của đất nước. Lúc này trong tâm trí của chúng tôi, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dù rất xa xôi nhưng rất đỗi thiêng liêng. Nếu chúng ta không bảo vệ, gìn giữ sẽ mang tội với con cháu mai sau”, ông Quý nói. (Còn tiếp)

Ngày 5.7.1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra chỉ thị số 180UT về việc xây dựng cụm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, nhằm nghiên cứu điều kiện hải văn, đồng thời xác định chủ quyền Việt Nam đối với khu vực thềm lục địa gần khu vực quần đảo Trường Sa. Đến nay sau 25 năm, đã có 20 nhà giàn được xây dựng trên thềm lục địa phía nam Việt Nam. Hiện có 15 nhà giàn đang sử dụng, trong đó có tám nhà giàn có bãi đỗ trực thăng trên nóc, bốn nhà giàn có hải đăng, một nhà giàn có trạm quan sát khí tượng. Có 14 nhà giàn ở khu vực giáp với vùng biển Trường Sa và một nhà giàn (DK1.10) ở bãi cạn Cà Mau trên vùng biển Tây Nam.

Loạt bài hoàn thành với sự giúp đỡ về tư liệu của ông Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Nhưng - nguyên Giám đốc Xí nghiệp xây lắp dầu khí, hiện là Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Khoa học và công nghệ của Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí (PVShipyard) và ông Đặng Hữu Quý - nguyên Chủ nhiệm thiết kế công trình nhà giàn DK1, hiện công tác tại Tổng công ty tư vấn thiết kế dầu khí (PVE).

Trung Hiếu

>> Trao 100 triệu đồng hỗ trợ con trai sĩ quan nhà giàn DK1
>> Giúp đỡ con trai sĩ quan nhà giàn DK1 bị trọng bệnh
>> Miễn viện phí cho con của y sĩ nhà giàn DK1-20
>> Nhắn tin ủng hộ chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.