Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, cả ba nhà tình báo "Việt cộng" gắn với bác sĩ Trần Kim Tuyến đều an toàn. Ông Phạm Ngọc Thảo bắt đầu lao vào những cơn bão táp khuynh đảo chính trường. Ông Ba Quốc được "đưa vào máy kiểm tra nói dối" trước khi chuyển sang làm ở Đặc ủy Trung ương tình báo. Còn Phạm Xuân Ẩn thì tiếp tục phát huy các lợi thế chiến lược...
Anh em Ngô Đình Diệm chết, nhóm tướng lĩnh Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân, Lê Văn Kim... được người Mỹ ủng hộ, lên cầm quyền. Một số sĩ quan từ Pháp cũng lần lượt về giữ các vị trí trong quân đội, trong đó có những người quen cũ của Phạm Xuân Ẩn như Nguyễn Huy Lợi, Nguyễn Chánh Thi... và có cả ông Phạm Xuân Giai, người anh họ của Phạm Xuân Ẩn.
Những người mới lên cầm quyền rất cần "sự hợp tác" của các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài. Do đó ông Ẩn được họ ân cần săn đón. Một loạt các quan hệ "nguồn tin" mới được thiết lập, qua những người như Phạm Văn Đổng (là sĩ quan được người Mỹ tín nhiệm), Nguyễn Huy Lợi (là "cánh tay mặt" của tướng Nguyễn Văn Vỹ ở Bộ Tổng tham mưu), Nguyễn Bé (tham mưu trưởng lực lượng đặc biệt), Nguyễn Chánh Thi... Song ông Ẩn không quên duy trì các quan hệ cũ, với những người có vai vế thời Ngô Đình Diệm nay đã bị thất thế, như nhóm đàn em của bác sĩ Tuyến. Điều đó không đơn giản là ông "tính chiến lược" lâu dài vì có thể sau này họ sẽ trở lại cầm quyền, mà còn vì tình nghĩa bạn bè. Bạn bè cũ của họ ai cũng "sợ liên lụy" không dám đến gần, còn ông thì không ngại, ông vẫn thăm viếng bình thường, ông an ủi và làm những gì có thể làm được để giúp đỡ họ, bởi vậy ai cũng yêu mến nể phục ông.
Về phía Mỹ, thông qua các mối quan hệ đặc biệt, ông kết thân thêm với Robert Shaplen, một nhà báo Mỹ (làm cho tờ NewYorker) nổi tiếng và có thế lực. Ông cũng quen với Lucian Conein, trùm CIA ở Sài Gòn. Shaplen và Conein là hai bạn thân và hai người đều trở thành bạn thân của ông Ẩn. Conein từng đóng vai trò liên lạc giữa CIA và các tướng lĩnh Sài Gòn, và thông qua Conein, các tướng này nhận được sự đồng ý ngầm của Mỹ khi họ lên kế hoạch đảo chính Ngô Đình Diệm ngày 1.11.1963. Conein "lừng danh" đến mức Stanley Karnow, tác giả cuốn sách Vietnam - a History từng dành 70 tiếng đồng hồ phỏng vấn với dự định viết tiểu sử, là người được Karnow nhận xét là "một người lính đánh thuê đầy chất giang hồ hảo hán, một nhân vật chỉ chết trong tiểu thuyết". Còn Robert Shaplen, theo đánh giá của New York Times, "là một tượng đài của báo chí Mỹ". Ông có mặt khắp nơi, từ những chiến trường trong chiến tranh thế giới thứ hai, từ Triều Tiên, Việt Nam đến những khu rừng già ở Lào, Campuchia, đến những khu phố đông người ở Hồng Kông, Singapore... Đối với các phóng viên trẻ, "việc đến thăm Robert Shaplen được xem như bắt buộc trước khi đến châu Á". Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, ngòi bút của ông ôn hòa, ít chỉ trích chính quyền Mỹ so với các đồng nghiệp, mặc dù rốt cuộc ông cũng phê phán gay gắt cuộc chiến do người Mỹ gây ra.
Lính Mỹ tham chiến tại VN được máy bay trực thăng sơ tán khỏi một vị trí quân sự năm 1965 - Ảnh: AFP |
Thời gian sau đảo chính, cấp trên chỉ thị cho ông đi sâu vào các kế hoạch quân sự, kế hoạch ấp chiến lược và tình hình biến động chính trị nội bộ giữa Mỹ và giới cầm quyền mới ở Sài Gòn.
Nhóm tướng lĩnh cầm quyền mới chưa làm được gì mà nội bộ lủng củng triền miên. Không bao lâu sau, vào cuối tháng 1.1964, nhóm tướng lĩnh do Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm đứng đầu đã đảo chính lật đổ Dương Văn Minh (gọi là "Chỉnh lý I"), Nguyễn Khánh lên làm Thủ tướng kiêm Tổng tư lệnh quân đội. Tiếp đó, ngày 27.8.1964, Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm tiến hành cuộc "Chỉnh lý II", lập "tam đầu chế" với Dương Văn Minh làm Quốc trưởng, Nguyễn Khánh làm Thủ tướng, Trần Thiện Khiêm làm Tổng trưởng Quốc phòng. (Phạm Ngọc Thảo lúc đó cũng được Nguyễn Khánh tin cậy kéo vào làm Giám đốc báo chí Phủ Thủ tướng).
Phạm Xuân Ẩn tận dụng các quan hệ rất khôn khéo gián tiếp chứng minh cho Nguyễn Khánh thấy mình chỉ là một ký giả chứ không làm chính trị. Và đặc biệt thông qua Conein và các đàn em của ông ta để thiết lập thế đứng của mình trong quan hệ với nhóm Nguyễn Khánh.
Trong khi đó, cũng vào tháng 1.1964, Tổng thống Mỹ Johnson cử tướng William C.Westmoreland sang miền Nam thay Harkins làm Tư lệnh MACV. Trước đó, vào giữa tháng 12.1963, Johnson đã cử McNamara và Taylor sang Sài Gòn để khảo sát tình hình thực tế, với một kết quả bi quan rằng các tướng lĩnh mới lên cầm quyền "chỉ muốn làm chính trị ở Sài Gòn hơn là tham gia các chiến dịch trên chiến trường". Đến đầu tháng 3.1964, Johnson thông qua một kế hoạch quân sự mới - kế hoạch McNamara - Taylor với các nội dung chính: Tăng cường sự chỉ huy trực
tiếp của các cố vấn Mỹ, tăng viện trợ quân sự và tăng quân số quân đội Sài Gòn; đẩy mạnh các chiến dịch bình định nông thôn, đặc biệt là các khu vực quanh Sài Gòn; dùng không quân đánh phá miền Bắc và Lào, buộc miền Bắc phải ngưng tăng viện cho "Việt cộng". Tháng 7.1964, Cabot Lodge bị triệu hồi về nước, đại tướng Maxwell Taylor, Tổng tham mưu trưởng liên quân được cử sang làm Đại sứ ở Sài Gòn.
Trên chiến trường, Quân giải phóng đang tấn công tới tấp. Câu hỏi cấp bách mà cấp trên đặt ra với Phạm Xuân Ẩn lúc bấy giờ là: "Mỹ có đem quân sang cứu nguy cho chế độ Sài Gòn hay không?".
Tình hình của đối phương ông Ẩn nắm hết. Ông báo cáo nội dung kế hoạch McNamara - Taylor, những ý đồ của Mỹ và nguyên bản các tài liệu quan trọng:
+ Chương trình biệt chính.
+ Kế hoạch bổ sung xây dựng biệt kích dù.
+ Kế hoạch tình báo dân ý vụ.
+ Chương trình bình định vùng ven Sài Gòn và vùng xung yếu (PICA).
+ Kế hoạch quân sự mùa khô 1964-1965 mang tên "Anh dũng 8" (AD8)...
Tin tức tối quan trọng mà ông Ẩn báo về trên là: Mỹ sẽ đem quân sang Việt Nam...
(còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
Bình luận (0)