Phạm Xuân Ẩn chính thức hoạt động trong ngành tình báo từ tháng 2.1952. Trước đó ông tham gia Vệ quốc đoàn, rồi tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên chống Pháp. Tóm tắt kết quả từ khi hoạt động tình báo cho đến thời điểm trước khi đi học ở Mỹ, cấp trên của ông nhận xét: "Về tin tức, Phạm Xuân Ẩn lấy được đầy đủ số liệu vận chuyển quân sự từ Marseilles (Pháp) sang Việt Nam trước Hiệp định Genève, tài liệu huấn luyện của Phòng quân huấn và tài liệu huấn luyện đầu tiên của Mỹ (huấn luyện biệt kích). Tài liệu lúc bấy giờ chủ yếu phục vụ chiến dịch và chiến đấu phù hợp với vị trí thấp và khả năng nghiệp vụ ban đầu của Phạm Xuân Ẩn, song các báo cáo đều trung thực, nguyên bản, chính xác" (theo ông Mười Nho, người phụ trách công tác tổng kết tình báo chiến lược trong kháng chiến).
Cấp trên của ông Ẩn cũng ghi nhận, ba má của Phạm Xuân Ẩn là những người yêu nước liên hệ với cách mạng nhưng không để lộ vết tích. Phụ thân của Phạm Xuân Ẩn là một công chức có nhiều bạn bè và họ hàng là công chức, sĩ quan cấp trung, cấp cao trong chế độ cũ. Đó là điều kiện thuận lợi để kẻ địch không nghi ngờ tung tích, lý lịch của Phạm Xuân Ẩn, nhờ đó mà Phạm Xuân Ẩn vào được "những vị trí tốt" và mở rộng quan hệ.
Tuy nhiên các cấp trên của ông cũng lưu ý đến nhược điểm quan trọng của Phạm Xuân Ẩn trong thời gian này. Đó là khi đã nhận nhiệm vụ tình báo rồi mà ông "vẫn lui tới thăm viếng" số anh chị em cùng hoạt động trong phong trào đấu tranh của học sinh trước kia, thậm chí còn giúp đỡ họ việc này việc khác, trong đó có những người sau này làm đến đại tá cảnh sát chế độ Sài Gòn như Phạm Kim Quy hoặc làm đến tỉnh trưởng Phước Long như Nguyễn Minh Mẫn. Điều này cực kỳ nguy hiểm, nhưng "rất may là những người này không theo dõi hoạt động của Phạm Xuân Ẩn". Được chấn chỉnh ngay nên từ đó về sau ông Ẩn "tuyệt đối không chơi với những người có cảm tình với cộng sản".
Thời gian này cũng để lại một bài học quý giá. Ban đầu ông Ẩn dựa vào thế của đại úy Phạm Xuân Giai để vào làm ở Phòng quân huấn, mà đại úy Giai là người thân tín của tướng Nguyễn Văn Hinh thân Pháp. Khi tướng Nguyễn Văn Hinh và nhóm thân Pháp bị "bóp chết" trong âm mưu lật Diệm không thành, Phạm Xuân Ẩn gặp khó khăn không ít, ông bị nghi ngờ thuộc nhóm thân Pháp. Nhờ có quan hệ rất tốt với Lansdale và được các sĩ quan Mỹ quý mến nên ông mới đứng vững. Nếu như ông không biết tiếng Anh và không có được quan hệ tốt với người Mỹ thì chắc chắn đã bị lực lượng thân Mỹ "cho ra rìa" rồi. Kinh nghiệm ban đầu này đã giúp cho Phạm Xuân Ẩn xử lý tốt những tình huống các phe phái lật nhau liên tiếp sau này để giữ được thế đứng vững chắc của mình.
Thật ra, thời điểm sau khi ký Hiệp định Genève, do chưa được phổ biến kịp thời chủ trương của trên, nên Phạm Xuân Ẩn chưa nhận định nổi tình hình, chưa thấy hết sự tranh chấp kịch liệt giữa lực lượng thân Pháp và thân Mỹ ở miền Nam và chưa thấy hết âm mưu lâu dài của người Mỹ. Vượt qua được tình thế này chủ yếu là do ông thông minh, nhạy bén. Sau khi nhóm thân Pháp thất bại, ông Mười Hương chỉ ra cho Phạm Xuân Ẩn thấy tình hình và lưu ý: Người Mỹ không có đủ tay chân để làm việc cho họ, nên họ vẫn sử dụng những người ít thân Pháp mà họ có thể lôi kéo được. Cho nên, ông Mười Hương chỉ thị, phải tiếp tục bám sát người Mỹ và làm thân với những người trong lực lượng thân Mỹ. Thực hiện chỉ thị đó, Phạm Xuân Ẩn tiếp tục làm thân với nhiều sĩ quan Mỹ ở CATO và suốt năm 1956, Phạm Xuân Ẩn đã "làm đủ mọi việc", từ "dàn xếp mọi chuyện lủng củng giữa các sĩ quan Bộ Tổng tham mưu với tòa đại sứ Mỹ" đến việc lo giấy tờ an ninh, thông hành, tiền bạc, đưa đi thi tiếng Anh, đưa đi khám sức khỏe cho các sĩ quan được đưa tu nghiệp ở Mỹ, khi họ đi học về ông đến thông báo cho gia đình họ, rồi trực tiếp ra sân bay đón, thu xếp với các nhân viên thuế quan khi hàng hóa quà cáp họ mang về vượt quá quy định. Nhờ những việc cụ thể đó mà ông lấy được cảm tình của các sĩ quan và gia đình họ. Phạm Xuân Ẩn và cấp trên của ông ý thức được rằng, những sĩ quan đó 5-7 năm sau sẽ vọt lên cấp cao, sẽ trở thành "nguồn tin" của ông.
Trong khi Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ học báo chí tại trường Orange Coast, thì ở miền Nam phong trào yêu nước của nhân dân bị dìm trong biển máu. Trước đó, ngày 20.7.1956 Ngô Đình Diệm công khai tuyên bố không thi hành Hiệp định Genève và đưa các chiến dịch "tố cộng, diệt cộng" (bắt đầu triển khai từ tháng 5.1955) lên hàng "quốc sách" trên toàn miền Nam. Tính đến cuối năm 1958, chúng đã giết hại gần 70 ngàn cán bộ, đảng viên, bắt giam gần nửa triệu người và tra tấn thành thương tật gần 700 ngàn người. Ông Mười Hương, người chỉ huy ông Ẩn bị bắt vào tháng 6.1958.
Thời kỳ này các cơ sở Đảng bị đánh phá tan nát, cách mạng lâm vào thoái trào. Kẻ địch ngày càng được trang bị các phương tiện chiến tranh hiện đại, tiến hành các chiến dịch "tố cộng, diệt cộng" với quy mô lớn, trong khi những người yêu nước miền Nam trong tay hầu như không có vũ khí. Tuy nhiên cuộc chiến về tình báo lại khác.
Lansdale đã đem hết tài năng và kinh nghiệm hoạt động tình báo của mình ra áp dụng tại Việt Nam. Ngoài việc kích động và tổ chức cho đồng bào Công giáo di cư, Lansdale còn lợi dụng thời gian tự do đi lại (300 ngày) theo quy định của Hiệp định Genève, Lansdale đưa người cài vào hạ tầng chính quyền một số nơi sẽ chuyển giao cho Việt Nam dân chủ cộng hòa, chuyên chở vũ khí giấu ở các địa điểm bí mật, chuẩn bị nơi trú ẩn trước, sau đó huấn luyện và đưa biệt kích, đưa các điệp viên ra miền Bắc. Đồng thời tiến hành chiến tranh tâm lý, kích động, phao tin gây hoang mang trong nhân dân, thậm chí còn cài gián điệp trà trộn trong các nhóm tập kết để tung tin hòng làm mất tinh thần cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra Bắc. Và như chúng ta đã biết, toàn bộ các ổ gián điệp cài lại và đưa ra miền Bắc "đều bị hốt sạch", một phần do nhân dân tố giác, một phần do hiệu lực phản gián của các lưới tình báo chúng ta, điển hình là anh hùng Đặng Trần Đức (Ba Quốc) với việc phát hiện 42 ổ gián điệp...
Về phía cách mạng, trong dầu sôi lửa bỏng, các lưới tình báo của ta tuy có bị tổn thất nặng nề do mất cảnh giác trong thời gian đầu, nhưng các chiến sĩ tình báo của ta được nhân dân che chở, vẫn tồn tại và phát triển. Ngoài tình báo chiến thuật và tình báo nhân dân thiên la địa võng, chúng ta đã tổ chức được một mạng lưới tình báo chiến lược thành công ngoạn mục. Những người trở thành ngôi sao tình báo như Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Đặng Trần Đức, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Nguyễn Xuân Hòe... đã được cài sâu trong lòng địch chính trong thời kỳ này. Họ không được trả lương, không được đào tạo chuyên nghiệp về tình báo, họ chỉ được cấp trên bảo: "Hãy tự tìm sách vở của phương Tây mà học, xem cái gì áp dụng được thì đem ra áp dụng. Phải tự lực cánh sinh" (lời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nói với Phạm Xuân Ẩn). Họ chỉ có một tấm lòng đối với Tổ quốc. Sức mạnh của họ, sự mưu trí của họ bắt đầu từ tấm lòng đó.
Phạm Xuân Ẩn chưa bao giờ căm thù nước Mỹ. Cấp trên của Phạm Xuân Ẩn cũng chưa bao giờ căm thù nước Mỹ. Cụ Hồ bảo "chống Mỹ, cứu nước", nghĩa là chỉ chống những người Mỹ đến xâm lăng thôi, hết xâm lăng rồi thì thành bạn bè. Trước khi đi Mỹ, cấp trên ông Ẩn dặn: "Phải học cho giỏi về nghiệp vụ, đồng thời tìm hiểu kỹ về nước Mỹ, về nền văn hóa Mỹ, về phong tục tập quán, về cách làm việc, về tâm lý, cá tính của người Mỹ. Phải tư duy và làm việc như người Mỹ". Lời dặn đó ngoài việc mục tiêu tạo thế đứng vững chắc để hoạt động tình báo "chống Mỹ, cứu nước", còn hàm chứa ý nghĩa hòa bình thân thiện với nước Mỹ. Bởi vậy, ý kiến của một số tác giả nước ngoài cho rằng sau chiến tranh ông Ẩn "không được chế độ tin dùng" vì ông bị "ảnh hưởng Mỹ quá sâu" là không có cơ sở...
(còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
Bình luận (0)