Giải mã tình ca loài ếch

05/01/2012 00:36 GMT+7

Nghiên cứu mới cho thấy “gu” tìm bạn tình của loài ếch phụ thuộc vào số lượng nhiễm sắc thể của đối tác.

Nghiên cứu mới cho thấy “gu” tìm bạn tình của loài ếch phụ thuộc vào số lượng nhiễm sắc thể của đối tác.

Nghiên cứu mới của các chuyên gia Đại học Missouri (Mỹ) cho biết, một số loài ếch cây cái có thể hòa âm một cách xuất sắc với tiếng kêu của bạn tình có cùng số lượng nhiễm sắc thể với chúng. Phát hiện này giúp rọi thêm ánh sáng vào cách thức tiến hóa của những loài ếch mới.

Theo Science Daily, Giáo sư Carl Gerhardt và cộng sự Mitch Tucker đã nghiên cứu 2 loài ếch sống ở Missouri, đó là ếch cây xám miền đông (Hyla versicolor) và ếch cây xám Cope (H.chrysoscelis). Ông cho biết: “Nhìn bằng mắt thường thì 2 loài ếch này trông hoàn toàn giống nhau. Chúng chỉ khác nhau về số lượng nhiễm sắc thể. Loài ếch cây xám miền đông có nhiễm sắc thể nhiều gấp đôi loài ếch cây xám Cope”. Đối với thính giác của bạn tình tiềm năng thì hai loài ếch này khác nhau về thanh âm. “Những con ếch đực này đều “hát” một bản tình ca giống nhau, nhưng một trong hai loài “hát” chậm hơn”, ông lưu ý.

 
Một con ếch cây xám ở Missouri, rất khó phân biệt nó là ếch Hyla versicolor hay H.chrysoscelis - Ảnh: Reptilechannel 

Trong những cuộc nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học nhận thấy những loài ếch cây có bộ nhiễm sắc thể nhiều hơn sẽ có kích thước tế bào lớn hơn, điều đó làm chậm tốc độ láy rền. Điều mà giới nghiên cứu chưa biết là liệu sở thích tiếng kêu của ếch cái có liên quan đến số lượng nhiễm sắc thể hay không.

Để giải đáp thắc mắc này, các chuyên gia đã kích thích sự nhân đôi nhiễm sắc thể bằng cách tạo ra nhiệt độ mùa xuân sớm trong quá trình phát triển của ếch. Ếch cái được nuôi đến khi trưởng thành rồi sau đó được tiếp xúc với tiếng kêu tổng hợp của ếch đực do máy tính phát ra, và những tiếng kêu này khác nhau về tốc độ láy rền. Họ phát hiện ếch cái nhảy đến những tiếng kêu có tốc độ láy rền của những ếch đực có số lượng nhiễm sắc thể tương hợp với chúng, điều đó thể hiện sở thích của ếch cái. “Phát hiện này cho thấy chỉ riêng số lượng nhiễm sắc thể cũng có thể điều khiển hành vi và làm cho loài ếch này trở nên khác biệt. Đến lượt mình, khi số lượng nhiễm sắc thể tăng lên, kích cỡ tế bào tăng theo, và đó có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những thay đổi về tiếng kêu cũng như sở thích của ếch”, ông Gerhardt nói thêm.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên chuyên san Proceedings of the Royal Society B-Biological Sciences.

Khang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.