Tồn tại kéo dài nhiều năm
Theo đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) Bế Minh Đức (Cao Bằng), tiến độ giải ngân tính đến hết tháng 9 mới đạt 46,7% thấp hơn so với cùng kỳ 2021. Giải ngân vốn đầu tư công chậm là vấn đề nhiều năm qua chưa có chuyển biến đáng kể.
Cần rà soát các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển |
Ngọc Thắng |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song từ thực tiễn, ông Đức nhận thấy thể chế chính sách còn nhiều bất cập, từ khi hình thành dự án cho đến khi giải ngân được vốn, tổ chức thi công phải trải qua rất nhiều thủ tục. Ví dụ như giải phóng mặt bằng thường phải qua 12 bước, với dự án nhóm A nếu thực hiện đúng trình tự thường mất 2 năm, với dự án nhóm B, C thường mất 9 - 10 tháng, chưa kể đến vướng mắc trong các khâu thẩm định hay giải phóng mặt bằng. Mặt khác, các thủ tục được quy định ở rất nhiều luật Đất đai, luật Bảo vệ môi trường, luật Đấu thầu, Xây dựng, Đầu tư công... cũng làm tiến độ chậm.
ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) thì nêu thực tế “cả nước trong 5 năm chỉ có 5.000 dự án, nhưng ở đâu cũng thấy mắc, giải ngân rất chậm”. Bên cạnh đó, theo ông Hoàng Anh, gói đầu tư phát triển với 176.000 tỉ đồng đến nay giải ngân rất thấp, đơn cử như 40.000 tỉ đồng dành cho hỗ trợ 2% lãi suất qua ngân hàng thương mại đến nay mới giải ngân được 13,5 tỉ đồng, đạt 0,03%. “Đề nghị Chính phủ cần quan tâm đặc biệt, nếu không chúng ta lại “ngược chiều vun vút” như tên một tác phẩm”, ĐB Hoàng Anh nêu.
Kinh tế phục hồi, sao doanh nghiệp vẫn đối mặt khó khăn ?
ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng) nêu câu hỏi: “Vì sao kinh tế phục hồi song cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn đối mặt với nhiều khó khăn?”. Theo bà, hiện nguồn vốn của DN 70 - 80% từ nguồn vốn vay bên ngoài. Trong khi đó, tiềm lực của các ngân hàng VN hiện còn hạn chế.
Gia Hân |
Vì sao kinh tế phục hồi song cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn?
ĐB Tô Ái Vang
Để bảo đảm có nguồn vốn cho vay trung và dài hạn thì các ngân hàng buộc phải đi vay các nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Điều này chứa đựng nhiều nguy cơ rất lớn cho cả ngân hàng, DN và nền kinh tế. Trong khi, về phía DN phải vay với lãi suất cao cùng với chi phí vốn cao dẫn đến sinh lời thấp. Việc phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay của ngân hàng ảnh hưởng nghiêm trọng tới các DN trong trường hợp nguồn vay bị hạn chế hoặc bị gián đoạn.
ĐB Tô Ái Vang cũng kiến nghị rà soát lại các giải pháp nhằm tác động mạnh mẽ hơn để “giúp các DN đủ sức vực dậy trong sản xuất, kinh doanh”. Đặc biệt, hỗ trợ các DN nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh bằng cách tiếp tục thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế, gia hạn thuế, phí, lệ phí, các chính sách cơ cấu lại nợ, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, tiếp tục cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Nêu thực trạng bất cập quản lý đất đai, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, lãng phí đất đai là thực trạng đáng nhức nhối, theo báo cáo của Bộ Tài chính, toàn quốc có 743 triệu m2 đất đang hoang hóa, sử dụng sai mục đích, nhưng tiền thu được rất thấp, chỉ có 286 tỉ đồng. Chỉ qua giám sát 7 địa phương có 1.739 dự án treo tương đương hơn 12.000 ha đất hoang, “sự thật rất đau lòng và gây bức xúc”.
Có nhiều nguyên nhân, song theo bà Mai, có khía cạnh trách nhiệm quản lý nhà nước. Trong đó, tư duy nhiệm kỳ cũng gây lãng phí đất đai rất lớn, “có những địa phương, sau mỗi nhiệm kỳ số dự án treo lại tăng lên”. Đặc biệt, còn tình trạng lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân từ đất đai.
Bên cạnh đó, trách nhiệm bộ máy công quyền một số trường hợp không cao, còn một bộ phận thờ ơ thiếu trách nhiệm. “Khi vướng mắc, địa phương gửi câu hỏi cho bộ ngành, thì câu trả lời của các bộ ngành luôn là “cứ thực hiện theo quy định của pháp luật”, ngay cả khi pháp luật chưa có quy định hoặc quy định khác nhau thì câu trả lời vẫn là “cứ thực hiện theo quy định pháp luật”. Như vậy, vướng mắc không thể giải quyết, gây bức xúc và thất vọng cho các địa phương”, bà Mai nói.
Bình luận (0)