Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 4: Nỗi oan thất thân với vua Gia Long

20/11/2014 03:00 GMT+7

Sau khi hoàng đế Quang Trung qua đời, bà Ngọc Hân có lấy vua Gia Long và sinh hạ cho ông hai người con hay không? Nếu không thì nỗi oan này từ đâu mà có?

>> Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 3: Cô độc ở chùa Kim Tiên
>> Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 2: Duyên rồng - phụng
>> Giải oan cho Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân

Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 4: Nỗi oan thất thân với vua Gia Long
Tranh Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Ảnh: B.V.M chụp lại


Tập san Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH), số ra tháng 10 - tháng 12 năm 1941, đăng bài viết của ông Phạm Việt Thường có tên được dịch ra tiếng Việt Những oái oăm của ông Tơ bà Nguyệt hay là số phận lạ lùng của công chúa Ngọc Hân. Do tác giả là thư ký ở Tòa sứ Pháp, BAVH lại là một tập san có uy tín hàng đầu bấy giờ nên từ đây, câu chuyện được nhiều người trích dẫn trở thành nguồn cơn của nghi án Ngọc Hân lấy hai vua là cừu thù của nhau.

Những oái oăm của... tác giả

Những đoạn trích bài bút ký lịch sử của tác giả Phạm Việt Thường sau đây trích lại từ trang tư liệu của Viet Phuong (sonthan.blogspot) mà chúng tôi đã đối chiếu thấy trùng khớp với nhiều tư liệu khác.

Sau khi dẫn hai câu ca dao truyền trong dân gian “Số đâu có số lạ lùng/Con vua lại lấy hai chồng là vua”, một đoạn khác tác giả viết: “Ta vẫn còn nghe những tiếng vọng bí ẩn từ thời xa xưa trong chỗ sâu kín của những nhà cao sang bị sa sút trong đó có các phủ đệ kín đáo của Quảng Oai quận công và Thường Tín quận vương, nhắc nhở chúng ta tình nghĩa vợ chồng của công chúa Ngọc Hân đã lần lượt là vợ của hai vị đại anh hùng trong lịch sử VN: Nguyễn Huệ (Quang Trung) và Nguyễn Ánh (Gia Long) là hai kẻ thù sinh tử”.

Một đoạn khác tác giả viết: “Bỗng bà nhìn thấy một người đàn ông trong trang phục hoàng gia đang tiến lại gần. Bà nhận ra đó là người quân nhân lạ mặt đêm qua. Chính là Nguyễn Ánh. Bà đứng lên xin lỗi về sự nhầm lẫn hôm trước. Gia Long mỉm cười nói: “Hôm nay lệnh bà dậy sớm quá”. Ngọc Hân đáp: “Thưa chúa thượng, suốt đêm qua tôi không hề ngủ được chút nào cả”. “Lệnh bà quả là một vị hoàng hậu dũng cảm. Xin lệnh bà biết cho rằng dù có gì thay đổi đi nữa, đất nước An Nam vẫn chẳng đổi thay. Xin lệnh bà khuây khỏa, đừng buồn nữa. Cung điện này vẫn thuộc về lệnh bà mà”.

Phần tiếp theo tác giả mô tả một hôm trong buổi thiết triều, viên Tổng quản Thái giám Lê Văn Duyệt biết chuyện nên ra sức can ngăn nhưng “Nguyễn Ánh mỉm cười bình thản trả lời: “Khanh nói có lý. Phụ nữ đẹp rất nhiều, nhưng nếu trẫm chẳng thích ai cả thì sao? Nói Ngọc Hân là vợ của một kẻ phản nghịch chỉ là một cách nói độc ác. Ngọc Hân là một phụ nữ như bao phụ nữ khác, xứng đáng được yêu và được kính trọng, và trẫm tin chắc rằng chẳng thể tìm đâu ra một người thứ hai trong đời. Sau khi quen biết bà ta, trẫm không muốn yêu bất cứ phụ nữ nào khác...”. Trước sự cương quyết của chúa Nguyễn, triều đình đành nhượng bộ và Ngọc Hân đã tìm quên quá khứ trong tình yêu mới”.

Còn đây là đoạn sau này nhiều người dẫn để nói Ngọc Hân từng có với Gia Long hai người con: “Hiện nay, những người bộ hành hiếm hoi khi dừng chân trước đền thờ Quảng Oai quận công và Thường Tín quận vương - hai người con của Ngọc Hân và Gia Long - không khỏi buông tiếng thở dài khi thấy ngôi đền đã đổ nát, đang dần dần biến mất theo thời gian”.

Lấy chồng khi đã chết ?

Nhà thơ Quách Tấn, một học giả uyên thâm, trong bài viết của mình, ông dẫn lại câu nói khôi hài của nhà văn Pháp Bosuet: “Từ ngày có những nhà viết sử thì không còn sử nữa”. Quách Tấn lý giải: “Không còn sử nữa tức là chỉ còn có những chuyện hoang đường do trí tưởng tượng của những nhà viết sử tạo nên. Chuyện bà Ngọc Hân công chúa là một bằng chứng”.

Bằng nhiều cứ liệu thuyết phục, Quách Tấn chứng minh, bà Ngọc Hân mất năm Kỷ Mùi 1799, kinh thành Phú Xuân thất thủ năm Tân Dậu 1801 và nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn diệt năm Nhâm Tuất 1802. Như vậy “bà Ngọc Hân mất 3 năm trước khi vua Gia Long thống nhất sơn hà thì còn có thể nào bị bắt nạp vào cung vua Gia Long?”. Theo Quách Tấn, những cứ liệu có được nhờ tìm thấy tập Dụ Am của Phan Huy Ích.

Trong quyển Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (NXB Thuận Hóa, tháng 10.2014) đã tập hợp được nhiều tài liệu từ cả hai chiều đồng tình và phản bác, từ đó phân tích lập luận một cách khoa học để chỉ ra bài viết của Phạm Việt Thường là hoàn toàn không có cơ sở, sai lệch về lịch sử, không thể có chuyện một người đã mất trước đó 3 năm lại... đi lấy chồng. Vua Quang Trung qua đời năm 1792, từ đó đến năm 1801, trong cung điện thành Phú Xuân phải là nơi ở của vợ Quang Toản, làm sao bà Ngọc Hân là vợ vua Quang Trung đã qua đời trước đó gần chục năm lại có thể ở trong đó để Nguyễn Ánh đến gặp? Cũng trong sử nhà Nguyễn, bộ Đại Nam liệt truyện chính biên (sơ tập), viết tiểu sử hai ông hoàng Quảng Oai và Thường Tín là con của Đức phi họ Lê. Từ đó, cùng với các tư liệu khác, khẳng định công chúa Lê Ngọc Bình, con út vua Lê Hiển Tông (em cùng cha khác mẹ với Lê Ngọc Hân, người được Ngọc Hân tác thành với Quang Toản) là thân mẫu của hai ông hoàng Quảng Oai và Thường Tín.

Câu ca: “Con vua mà lấy hai chồng làm vua” mà bài viết của Phạm Việt Thường trích dẫn đầu tiên là nói về Lê Ngọc Bình vậy. Oan thất tiết của bà Ngọc Hân được giải, nhưng sinh một cái oan khác, oan giết chồng.

Nguyễn Thế Thịnh

>> Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 3: Cô độc ở chùa Kim Tiên
>> Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 2: Duyên rồng - phụng
>> Giải oan cho Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân
>> Khánh thành di lăng Hoàng hậu Lê Ngọc Hân  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.