Tại hội nghị tổng kết 20 năm phát triển mô hình giáo dục ĐH ngoài công lập (NCL), do hiệp hội các trường này tổ chức vừa qua, tổ chức này cho rằng giữa các trường công lập và NCL đang có một “sân chơi” không bình đẳng. Bộ GD-ĐT cần có chính sách tháo gỡ khó khăn cho các trường để huy động được sự đóng góp của người dân, giảm chi cho ngân sách nhà nước.
Theo thống kê của hiệp hội, so với một số nước trong khu vực, Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ sinh viên NCL thấp (khoảng 17%), trong khi đó Malaysia có 600 trường ĐH NCL nhưng chỉ có 100 trường ĐH công lập, Hàn Quốc có 67% SV học tập tại các trường NCL, Nhật Bản là 80%...
Tại hội nghị, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, thẳng thắn thừa nhận: hệ thống cơ chế, chính sách đối với các trường NCL hiện nay chưa đồng bộ, đầy đủ và bền vững nên quá trình hoạt động của các trường rất khó khăn. Ông Ga cũng cho biết đang có nhiều giải pháp tạo sự bình đẳng cho 2 hệ thống giáo dục này.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với các bộ liên quan xây dựng khung trình độ quốc gia của VN phù hợp các nước ASEAN, quy định về năng lực của các cấp bậc đào tạo khác nhau, tất cả các trường sẽ phải căn cứ vào đó để đào tạo nguồn nhân lực. Dự kiến đầu năm 2014 sẽ hoàn thành dự thảo khung trình độ quốc gia. Theo ông Ga, đây là một thách thức rất lớn nhưng cũng là một cơ hội để các trường, đặc biệt là các trường NCL phát triển.
Cũng để tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng trong toàn hệ thống cho cả trường công lập và NCL, ông Ga thông tin Bộ đang soạn thảo và trình chính phủ ban hành quy định về phân tầng, xếp hạng các trường ĐH, CĐ. Việc phân tầng xếp hạng này không phân biệt loại hình trường là công lập hay tư thục. “Khi có một hệ thống xếp hạng phân tầng rõ ràng, minh bạch thì chúng ta sẽ có một sân chơi bình đẳng giữa các trường ĐH, CĐ”, ông Ga nói. Bộ GD-ĐT cũng đã quyết định thành lập một trung tâm kiểm định chất lượng độc lập, có trách nhiệm kiểm định chất lượng của các trường mà không phân biệt trường công hay NCL.
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)