Giải pháp nào cho việc ăn cắp trí tuệ?

21/12/2004 15:18 GMT+7

Gần đây, một trong các vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục - ngoài chuyện dạy và học thêm, việc thi cử - là việc ăn cắp chất xám trong nghiên cứu khoa học. Đầu tiên là vụ scandal của nhóm tác giả phần mềm đoạt giải nhất trong cuộc thi trí tuệ Việt Nam iCMS đã sử dụng mã nguồn mở của tác giả Fraser mà không khai báo.

Thiết nghĩ, mặc dù họ lắt léo cho rằng không xào lại hoàn toàn mà đã thay đổi nhiều thì việc dùng một sản phẩm trí tuệ của người khác đăng ký dưới tên mình đã là phạm pháp và đáng trách.

Nhóm tác giả sinh viên này đáng trách một thì việc sao chép gần như toàn bộ công trình nghiên cứu rôbôt trên mạng của TS Nguyễn Văn Giáp và KS Đoàn Thế Thảo thuộc khoa cơ khí của Trường Đại học Bách Khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) đáng trách trăm nghìn lần. Họ - với danh nghĩa là những nhà nghiên cứu khoa học thực thụ và hơn thế nữa họ còn là những người thầy đứng trên bục giảng. Nhiệm vụ của họ là làm gương cho thế hệ sinh viên đi sau, thế mà họ có thể "đạo bút" một cách trắng trợn đến thế. Chả trách gì luận văn của sinh viên luôn là món ăn được xào đi nấu lại nhiều lần nhưng vẫn được điểm cao và được cả một xã hội công nhận trình độ học tập. Ai cũng biết vấn nạn này đã và đang xảy ra từ lâu rồi và cũng gây nên những hậu quả to lớn đối với tương lai của nền tri thức nước nhà. Nhưng không hiểu sao lại chưa có một chế tài nào để khắc phục tình trạng rối rắm đó? Mong rằng ngành giáo dục sớm có những chính sách kịp thời để đón đầu những tình huống bất trắc như trên. Chứ không phải chỉ luôn đi chữa cháy hay tệ hơn là bất lực không giải quyết được vấn đề.

Diễm Thư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.