Tính từ năm 1954 khi cuộc giải phẫu ghép thận cho một cặp sinh đôi lần đầu tiên được tiến hành thành công tại Bệnh viện Đa khoa Boston cho đến nay, phẫu thuật ghép cơ phận đã tròn 50 tuổi. Trong thời gian ngắn ngủi đó, phẫu thuật ghép đã phát triển nhanh chóng, nhanh đến nỗi có khi ngoài sự tưởng tượng của con người. Ngày nay, giải phẫu ghép thận, tim, lá lách, gan, ruột, phổi, v.v... là những việc thường ngày tại các bệnh viện lớn, không còn là những bản tin trên nhật báo nữa.
Nhưng vừa qua, phẫu thuật ghép bước thêm một bước tiến quan trọng khác: ghép mặt. Quyết định của bác sĩ Jean-Michel Dubernard ghép mặt cho một phụ nữ 38 tuổi bị chó cắn làm cho mặt bị biến dạng (mất cả môi và mũi) khó nhìn, đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận sôi nổi về y đức. Bác sĩ lấy mũi, cằm và một phần miệng từ một bệnh nhân đã chết não rồi cấy ghép vào mặt của bệnh nhân. Danh tính của bệnh nhân, vì lý do y đức, cho đến nay vẫn chưa được tiết lộ.
Thật ra, bác sĩ Dubernard (64 tuổi) đã từng là một phẫu thuật gia tiên phong trong phẫu thuật ghép tuyến tụy. Ông cũng là người đứng đầu một nhóm bác sĩ thành công trong việc phẫu thuật ghép cánh tay vào năm 1998 (*) - Phẫu thuật ghép tay được tiến hành lần đầu tiên ở Ecuador vào năm 1964, trước khi thuốc miễn nhiễm được sản xuất và trước cả kỹ thuật vi phẫu thuật ra đời. Ông từng là cựu phó thị trưởng thành phố Lyon và là một trong những dân biểu quan trọng trong Quốc hội Pháp.
Vi phạm y đức và pháp luật?
Bác sĩ Dubernard sinh trong một gia đình có truyền thống y khoa, với bố là một bác sĩ đa khoa và mẹ là dược sĩ. Ông còn có biệt danh là “Max”, vì thời còn đi học lúc nào ông cũng cố gắng hết mình để đạt cho được kết quả ông muốn. Dubernard là một người nghiện thuốc lá loại nặng. Tuy cố gắng bỏ hút thuốc hai - ba lần nhưng không thành công. Trong một bài trả lời phỏng vấn, ông cho biết đã từng có ý định trở thành một phẫu thuật gia lúc mới 11 tuổi khi kinh qua đau đớn trong lần mổ cắt ruột thừa. Bác sĩ Dubernard học y ở Pháp, tu nghiệp và nghiên cứu y khoa ở Bỉ và Mỹ (Đại học Harvard). Ngoài y khoa, ông còn là một chính khách với vai trò dân biểu trong Quốc hội Pháp từ năm 1986. |
Một cuộc tranh luận về y đức “bùng nổ” trên các tập san y học mà có lẽ không mấy người ngoài y học biết được. Nhà giải phẫu thì quan tâm đến kỹ thuật, đến câu hỏi “giải phẫu bằng cách nào”, nhưng có lẽ một câu hỏi quan trọng khác cần đặt ra là “có nên giải phẫu hay không”? Vấn đề đặt ra là trong trường hợp nào phẫu thuật thay ghép mặt được xem là không vi phạm y đức và đem lại lợi ích cho bệnh nhân.
3 tiêu chí về y đức
Để đánh giá giải phẫu ghép mặt có vi phạm y đức hay không, các nhà nghiên cứu y đức đề nghị 3 tiêu chí: tôn trọng bệnh nhân, phúc lợi và công bằng xã hội.
Tôn trọng bệnh nhân có nghĩa là tôn trọng quyền lựa chọn của bệnh nhân được chữa trị trong sự tương kính giữa bác sĩ và bệnh nhân. Đối với một bệnh nhân mặt bị biến dạng nghiêm trọng, phải sống đằng sau “mặt nạ” xấu xí hay thậm chí ngại không dám giao tiếp với bạn bè, thì việc giải phẫu đem lại cho họ một bộ mặt mới có thể giúp họ trở thành một thành viên tích cực hơn trong xã hội. Giải phẫu ghép mặt trong các trường hợp này có ý nghĩa trả lại họ cái nhân dạng và duy trì chất lượng đời sống.
Những người phản đối thì lý giải rằng phẫu thuật này không phải là phẫu thuật để cứu bệnh nhân, nguy cơ bị thải ghép, và phản ứng của thuốc miễn dịch mà bệnh nhân phải dùng suốt đời, có thể làm cho chất lượng đời sống của bệnh nhân xấu đi. Cần phải nhấn mạnh và phân biệt rằng ghép mặt là một phẫu thuật còn trong thời kỳ thử nghiệm, chứ không phải phẫu thuật hoàn chỉnh có thể tiến hành hằng ngày.
Một số bác sĩ khác phản đối phẫu thuật ghép mặt vì họ cho rằng phẫu thuật này không cần thiết và chỉ ra rằng có một lựa chọn khác: đó là giải phẫu thẩm mỹ thông thường và dùng da của chính bệnh nhân (còn gọi là “lateral arm flap procedure”). Nhưng các nhà giải phẫu đề xướng phẫu thuật ghép mặt thì cho rằng phẫu thuật lateral arm flap rất khó thành công và có khi thiếu thực tế, vì nó yêu cầu bệnh nhân phải cử động như nói, cười, nhăn mặt, v.v... để phẫu thuật gia có thể tái xây dựng khuôn mặt.
Tiêu chí thứ hai để đánh giá y đức của phẫu thuật ghép mặt là phúc lợi, có nghĩa là phẫu thuật gia có nghĩa vụ phải bảo đảm bệnh nhân sẽ hưởng lợi ích từ phẫu thuật và nhất là không làm tổn hại đến bệnh nhân. Với tiêu chí này những người như bác sĩ Dubernard lý giải rằng phẫu thuật ghép mặt đem lại một cuộc sống mới tốt hơn cho bệnh nhân và đó chẳng phải là một lợi ích lớn nhất ư? Nhưng còn hại? Bệnh nhân phải dùng thuốc miễn dịch suốt đời với những ảnh hưởng phụ, và biến chứng từ cuộc giải phẫu là một mối quan tâm lớn.
Những người phản đối lý giải rằng phẫu thuật ghép mặt có thể đem lại một con người mới cho bệnh nhân, nhưng có thể gây tổn hại đến tâm lý của bệnh nhân. Phẫu thuật ghép mặt không thể so sánh với các phẫu thuật thông thường khác, bởi vì bệnh nhân “tiếp nhận” một nhân dạng của người khác, và phải mất đi cái nhân dạng của chính mình. Khuôn mặt là một phần làm nên cái căn cước tính của một cá nhân, đánh mất cái căn cước đó là một vấn đề không thể xem thường được. Những ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần nảy sinh trong quá trình thích ứng với khuôn mặt mới của bệnh nhân khó mà đoán trước được. Đối với nhiều nhà đạo đức học, sống trong tâm lý dằn vặt với cái căn cước tính mới là một sự tra tấn!
Bệnh nhân chắc chắn phải dùng thuốc miễn dịch suốt đời. Ngay cả đối những thuốc miễn dịch mới nhất, ảnh hưởng phụ và biến chứng từ thuốc là một điều không thể tránh khỏi. Những ảnh hưởng phụ này có thể làm giảm tuổi thọ của bệnh nhân và như thế là có khả năng gây tác hại.
Sau cùng là vấn đề công bằng. Khái niệm “công bằng” ở đây đề cập đến khả năng mà bệnh nhân đi đến quyết định không bị chi phối bằng những áp lực từ bác sĩ hay bất cứ ai. Vấn đề đặt ra trong các bệnh nhân mặt bị biến dạng nghiêm trọng là họ đang trong một tình trạng tuyệt vọng, khủng hoảng tinh thần và rất dễ bị thuyết phục. Nói cách khác, họ sẵn sàng thử bất cứ phẫu thuật nào mà không cần xem đến độ nguy hiểm. Do đó, việc tuyển chọn những bệnh nhân như thế vào các ca mổ ghép mặt có thể xem là một hình thức “bóc lột tinh thần”, một hình thức lạm dụng và khai thác sự yếu đuối của bệnh nhân và thế là vi phạm y đức.
Bệnh nhân là người quyết định cuối cùng?
Ở đây, không ai nghi ngờ kỹ năng chuyên môn của các nhà phẫu thuật để tiến hành những ca mổ này. Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay có đến 5 nhóm phẫu thuật có khả năng và kỹ thuật để ghép mặt và họ cạnh tranh với nhau để được lưu tiếng là “nhóm đầu tiên trên thế giới” tiến hành phẫu thuật. Trong cuộc cạnh tranh như thế, họ có thể hy sinh y đức và lờ đi các vấn đề đạo đức để lưu danh cùng y sử.
Xem xét những tiêu chí và lý giải trên, chúng ta thấy vấn đề y đức trong việc cấy ghép mặt không đơn giản chút nào. Có lẽ bệnh nhân phải là người quyết định cuối cùng, sau khi đã có được thông tin về lợi và hại của phẫu thuật. Trong trường hợp này, bệnh nhân đã quyết định cho chính mình khi bà phát biểu sau ca giải phẫu rằng: “Tôi chỉ muốn có một cuộc sống bình thường, không muốn làm đối tượng cho người ta chăm chú nhìn vào. Bây giờ thì vẫn còn quá sớm để nói về tương lai. Nhưng tôi không hối hận gì cả - nếu tôi được dịp lựa chọn một lần nữa, tôi cũng sẽ chọn giải pháp phẫu thuật”.
(*) Năm 1998, bác sĩ Dubernard giải phẫu ghép cánh tay cho ông Clint Hallam, và sự việc cũng gây ra vài tranh cãi, vì Hallam có tiền sử là một tội phạm và bị mất cánh tay khi còn trong tù. Sau khi giải phẫu, ông Hallam chẳng những không chịu sử dụng thuốc miễn nhiễm và không chịu tập thể dục, mà còn yêu cầu chặt bỏ cánh tay mới vào năm 2001.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)