Giải quyết nạn lấn chiếm lòng lề đường: Không thể cứ mãi 'bắt cóc, bỏ đĩa'

23/11/2022 06:20 GMT+7

Giải quyết nạn lấn chiếm lòng lề đường tại siêu đô thị như TP.HCM chưa bao giờ là bài toán đơn giản. Thực trạng này đòi hỏi giải pháp tổng thể, không thể cứ “bắt cóc, bỏ đĩa” như hiện nay.

Để tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 11-CT/TU (năm 2017) và UBND đã có Chỉ thị số 22/CT-UBND (năm 2016). Thế nhưng từ đó đến nay, nạn lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè vẫn chưa thể được dẹp triệt để.

Đơn cử như mới đây (tối 16.11), Thanh Niên đưa tin, đoàn kiểm tra liên ngành P.12, Q.5 (TP.HCM) kiểm tra, xử lý người kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường trên các tuyến đường xung quanh các bệnh viện (BV) lớn ở Q.5 như: Chợ Rẫy, Hùng Vương… và xử lý nhiều trường hợp buôn bán tự phát, lấn chiếm lòng lề đường gây ảnh hưởng giao thông trên các tuyến đường xung quanh BV.

Ông Nguyễn Việt Đức, Phó chủ tịch UBND P.12 (Q.5), cho biết dù phường thường xuyên kiểm tra, xử phạt việc kinh doanh buôn bán lấn chiếm lòng lề đường nhưng hoạt động này vẫn tái diễn.

“Phường thu, cứ thu...”

Chia sẻ của Phó chủ tịch UBND P.12 (Q.5) không làm bạn đọc (BĐ) ngạc nhiên, như lý giải của BĐ Đặng Kim Thúy: “Tôi từng có thời gian chăm người nhà bị bệnh ở BV Chợ Rẫy gần 1 tuần. Đúng là lực lượng chức năng ở đây vẫn thường xuyên kiểm tra nhưng có lần mon men hỏi chuyện những người bị thu giữ bàn, ghế, xe đẩy, họ nói rằng, phường thu cứ thu, họ sẽ không đến nhận lại đồ đạc bị thu giữ vì tiền phạt còn cao hơn giá trị bị thu giữ… Suy nghĩ đó của một số người lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán luôn khiến bài toán “dọn dẹp” vỉa hè, lòng lề đường luôn là cuộc “rượt đuổi” không hồi kết. Người dân chân chính luôn ủng hộ cơ quan chức năng lập lại trật tự lòng, lề đường, vỉa hè bởi một TP văn minh, hiện đại, không thể xảy ra tình trạng nhếch nhác này… Nhưng các giải pháp chưa đem lại nhiều hiệu quả lâu dài”.

Xe bán hàng trước cổng 1A Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) bị lực lượng chức năng xử lý

XUÂN KHÁNH

Cho rằng nạn lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để buôn bán không chỉ xảy ra ở một số địa điểm ở địa bàn Q.5 mà nhiều BĐ phản ánh, còn xảy ra phổ biến ở nhiều quận, huyện khác. BĐ Nguyen Ngoc Khanh phân tích: “Ở siêu đô thị như TP.HCM, phải nhìn nhận rằng “tấc đất, tấc vàng”, đặc biệt là những nhà mặt tiền. Đa phần, nhà mặt tiền - và nhất là những nhà ở các trục đường chính - mặt tiền đều được tận dụng để kinh doanh. Một bộ phận người dân chưa tôn trọng pháp luật, chưa vì lợi ích cộng đồng. Nhưng đứng về mặt quản lý, một số địa phương cũng chưa có đề án, phương án quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè… Thậm chí, từng có hiện tượng như báo chí đã nhiều lần lên tiếng là có nơi làm mạnh mẽ, quyết liệt, nhưng cũng có nơi thiếu sự phối hợp, thiếu sự quyết đoán, nhiệt tình”.

“Chống” đi kèm với “xây”

Dẫn ra những “chiến dịch”, “phong trào” từng được triển khai trong việc lập lại trật tự, quản lý, lòng lề đường, vỉa hè… trong thời gian qua, nhưng đến nay, vấn nạn này vẫn không thôi nhận được nhiều ý kiến phản ánh của cử tri (trong các cuộc đối thoại, tiếp xúc cử tri), người dân (thông qua các phương tiện truyền thông), nhiều BĐ cho rằng không thiếu cách làm mang tính chất “bắt cóc, bỏ đĩa”.

Nhiều bất cập trong quy hoạch công trình xây dựng, kế hoạch khai thác vỉa hè chưa phù hợp, khoa học…, được nhiều BĐ chỉ ra như những nguyên nhân khiến công tác quản lý trật tự đô thị nói chung, việc quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè nói riêng vẫn luôn “trầy trật”.

BĐ Nguyen Hien Anh phân tích: “Nhiều mặt tiền, vỉa hè được tận dụng để làm bãi đậu xe là phản ánh rõ nhất về thực trạng, TP.HCM hiện đang thiếu bãi đậu xe, nhất là ở khu vực trung tâm. Trong khi đó, dù TP.HCM đã đồng ý về mặt chủ trương quy hoạch 10 bãi đậu xe ngầm, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, chưa có dự án nào được xây dựng. Về những người lấn, chiếm lòng lề đường, cần phải thừa nhận rằng, đó là sinh kế của một bộ phận người dân lao động. Do vậy, dẹp lòng lề đường, vỉa hè cần thiết phải được thực hiện song song với các giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp cho họ. Một số giải pháp đã được đề xuất như: lập các tuyến đường, khu vực được phép buôn bán trên vỉa hè kèm theo những điều kiện nghiêm ngặt nhưng đến nay chưa được làm một cách bài bản. “Chống” đi kèm với “xây” mới hy vọng là giải pháp lâu dài trong “cuộc chiến” giành lại lòng lề đường, vỉa hè”.

* Một bộ phận không nhỏ người dân gắn liền cuộc sống mưu sinh với vỉa hè, lề đường… Điều này cần từng bước thực hiện thận trọng, tạo điều kiện chuyển đổi nghề hoặc lựa chọn những khu vực phù hợp để người dân buôn bán mà không ảnh hưởng, cản trở đến giao thông, bộ mặt của TP.

Trần Tuấn Minh

* Người buôn bán hàng rong bị “xua” trên tuyến đường thuộc phường này thì đẩy xe sang phường khác. Tương tự ở các tuyến đường giáp ranh giữa quận này với quận kia, lực lượng chức năng ở quận này “đuổi” thì họ chạy sang địa bàn quản lý của quận khác. Thử hỏi, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phường, các quận thì làm sao lấy lại vỉa hè, lòng lề đường cho người dân?

Hà Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.