Bình Định là một trong 4 địa phương (cùng với Huế, Hà Nội, Thanh Hóa) được triều đình nhà Nguyễn chọn làm nơi mở trường thi võ.
>> Giai thoại làng võ - Kỳ 4: Đấu võ kén chồng
>> Giai thoại làng võ - Kỳ 3: Bỏ mạng vì cứu học trò
>> Giai thoại làng võ - Kỳ 2: Võ sư mê hát bội
|
Năm 1867, vua Tự Đức đã mở trường đào tạo và thi võ tại Hà Nội và Bình Định. Trường thi võ Bình Định dành cho võ sinh, võ cử ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận được tuyển chọn về luyện tập võ nghệ để dự các kỳ thi. Thạc sĩ Nguyễn Thị Nhân, cán bộ Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, cho biết trường thi võ tại Bình Định được xây dựng tại thôn An Thành (nay thuộc xã Nhơn Lộc, TX.An Nhơn) bằng đá ong. Ban đầu, triều đình Huế cũng có ý định tổ chức thi Hương, thi Hội, thi Đình tại đây để lấy tú tài, cử nhân, tạo sĩ (tiến sĩ) như các trường thi những nơi khác, nhưng rốt cuộc chỉ có thi võ cử nhân. Nhiều lý do được triều đình Huế đưa ra, nhưng cái chính là do nạn kỳ thị, bởi Bình Định vốn là vùng đất khởi đầu phong trào nông dân Tây Sơn và dường như chức tạo sĩ chỉ dành cho các con em hoàng tộc và các bậc quyền quý tại kinh thành.
Tạo sĩ hạ cọp
Ông Mười, người Phước Thuận, H.Tuy Phước, từng hai lần thi võ tại Bình Định, kể: Một ông đậu thủ khoa trường võ Bình Định ra Huế thi tạo sĩ. Thấy ông giỏi binh thư đồ trận lại võ nghệ cao cường, triều đình Huế sợ ông chiếm vị trí thứ nhất bởi trước đó đã có ý định trao cho một người tôn thất trong triều. Sau khi đấu lực, đấu tài, ông đã đỗ đầu tạo sĩ khiến triều đình rất bực. Trên đường trở về quê nhà, ông tạo sĩ cưỡi ngựa đến đèo Nhông (thuộc H.Phù Mỹ, Bình Định) thì bị cọp chặn đường. Ông nhảy xuống ngựa, dùng đoản đao đánh nhau từ nửa đêm đến gà gáy mới hạ được mãnh hổ. Dân Phù Mỹ nhiệt liệt hoan hô chiến công đầu tiên của vị tạo sĩ tân khoa, tổ chức tiệc khoản đãi để chúc mừng và lập bản tường trình về triều đình để tuyên dương công trạng. Thế nhưng triều đình lại ra lệnh thi hành kỷ luật nghiêm ông tân khoa tạo sĩ vì lý do: cọp là tổ sư của con nhà võ, tạo sĩ mới đậu đã quên căn, quên ơn thầy mà giết đi thầy là tội phản sư, bất hiếu. Ông tạo sĩ tân khoa bị thu hồi bằng Tạo sĩ, hạ xuống hàng thứ dân, phạt đánh 30 trượng. Chức tạo sĩ tân khoa sau đó được triều đình trao cho người đứng thứ 2 chính là người tôn thất vốn đã được chọn ngay từ đầu.
Đấu roi với quan chủ khảo
Ông Bầu Đê là người Tuy Phước, nổi tiếng với ngọn trường tiên (cây roi trường) ở Bình Định. Ông không đi thi, vì không luyện tập những môn bắt buộc khác nhưng bất cứ kỳ thi nào ông cũng đi xem. Một lần, chờ cho cuộc thi tài xác định được 3 vị trí cao nhất xong, ông Bầu Đê xin phép ban giám khảo cho thi đấu roi với các thầy cử tân khoa.
Ông cử thứ ba vừa mới đấu được hiệp đầu tiên đã bị Bầu Đê đánh văng roi phải giơ tay đầu hàng. Ông cử nhì bị Bầu Đê đánh đến ngất xỉu, roi rơi một bên, phải cấp cứu mới hồi tỉnh. Bầu Đê và ông cử thủ khoa giao tranh khoảng mười phút thì ban giám khảo tuyên bố hai bên hòa. Lập tức, ông Bầu Đê và quan chánh lãnh binh chủ khảo phản đối, còn ông cử thủ khoa bước ra trước ban giám khảo bái tạ và nói lớn: “Tôi xin nhận thua”. Ông cử thủ khoa giơ hai tay lên cao để lộ ra hai bên hố nách có hai vết lọ tròn do bị ngọn roi của ông Bầu Đê điểm trúng.
Ngay tức thì, quan chủ khảo vốn là một tạo sĩ võ ở Trường thi Huế, thách đấu roi với ông Bầu Đê 10 hiệp. Biết Bầu Đê giỏi đánh roi nhưng nhiều người lo lắng cho ông vì nghĩ đến câu "Roi kinh, quyền Bình Định”, đấu roi với tạo sĩ võ của triều tại Huế không phải là chuyện dễ. Hiệp đầu tiên, khi Bầu Đê hô to “Xin quan lớn, tôi ra tuyệt kỹ thứ nhất” vừa dứt thì cây roi trên tay quan lãnh binh văng lên hiên. Đang thi đấu hiệp 2, Bầu Đê lại la lớn: "Xin phép quan lớn cho tôi ra tuyệt kỹ thứ hai". Nghe vậy, quan lãnh binh xin thua, rồi tiến lên nói: “Tôi gặp hàng trăm tay roi bậc thầy, hơn có, ngang có, kém có nhưng chưa hề gặp cây roi thần như ông. Đáng tôn làm thầy”.
Quan lãnh binh giơ nách tay trái của mình cho mọi người xem vết lọ dầu do roi ông Bầu Đê ghi điểm. Mọi người hỏi, quan lãnh binh trả lời: “Lúc ông ấy xin phép, tôi chưa kịp trả lời thì đầu roi đã đậu vào nách nên tôi xin thôi đấu”.
Hoàng Trọng
>> Giai thoại làng võ - Kỳ 4: Đấu võ kén chồng
>> Giai thoại làng võ - Kỳ 3: Bỏ mạng vì cứu học trò
>> Giai thoại làng võ - Kỳ 2: Võ sư mê hát bội
>> Giai thoại làng võ: Muốn hát tuồng phải biết võ
Bình luận (0)