Giai thoại thể thao ngày thống nhất - Kỳ 2: Những cầu thủ 'lính kiểng'

29/04/2015 07:13 GMT+7

Hơn 100 cầu thủ giỏi của làng bóng tròn miền Nam trước 1975 đã chọn cách ở lại để tiếp tục thỏa niềm đam mê, cống hiến với bóng đá, bất chấp trước đó họ đang khoác trên mình những chiếc áo “lính kiểng”.

Hơn 100 cầu thủ giỏi của làng bóng tròn miền Nam trước 1975 đã chọn cách ở lại để tiếp tục thỏa niềm đam mê, cống hiến với bóng đá, bất chấp trước đó họ đang khoác trên mình những chiếc áo “lính kiểng”.

>> Giai thoại thể thao ngày thống nhất: Ra đi và trở lại với quần vợt Việt

Rất nhiều cầu thủ miền Nam trước 1975 đã tề tựu dưới màu áo phân cục Hải quan, sau đó đoạt chức vô địch giải Cửu Long 1976 -  Ảnh: Tư liệu
Rất nhiều cầu thủ miền Nam trước 1975 đã tề tựu dưới màu áo phân cục Hải quan, sau đó đoạt chức vô địch giải Cửu Long 1976 -  Ảnh: Tư liệu
Cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang luôn được xem là biểu tượng hùng hồn của bóng đá miền Nam vì ông không chỉ cùng đồng đội mang vinh quang về cho làng bóng Việt với chiếc Cúp Merdeka năm 1966 mà tính tình, lối chơi và phong cách thể hiện trên sân cỏ của ông luôn để lại những hình ảnh đẹp, chinh phục trái tim của rất nhiều người. Sinh thời ông từng tâm sự: “Năm 1975 khi quân giải phóng về, cầu thủ chúng tôi có hai tâm trạng.
Một số hoang mang vì không biết mình sẽ bị đối xử ra sao vì đa phần cầu thủ miền Nam đều nằm trong các đội bóng lính của chế độ cũ như Tổng tham mưu, Hải quân, Không quân, Quân cụ... Số khác đón nhận sự kiện lịch sử này bình thản hơn nên im lặng chờ đợi, nhưng vẫn âm thầm tập luyện để duy trì sức khỏe. Dù là với tâm trạng nào thì điểm chung là nhiều cầu thủ đều chọn cách ở lại chỉ với mong muốn nếu cho phép ra sân trở lại sớm thì sẽ tiếp tục cháy với đam mê”.
Chỉ có thủ môn ra đi...
Lão tướng Dương Văn Thà, ngưới đã gắn bó lâu nhất với bóng đá miền Nam cùng thời với Tam Lang, cũng cho biết: “Lúc đó chỉ có thủ môn Lâm Hồng Châu vì nhiều lý do nên ra đi thôi, còn chúng tôi nói thật chỉ là lính kiểng, tham gia thi đấu dưới màu áo các đội quân đội Sài Gòn, chứ có bao giờ ra trận gì đâu, tiền bạc, của cải cũng chẳng có gì mà chỉ biết tình yêu với trái bóng để phục vụ đồng bào mang lại những giờ phút giải trí sảng khoái cho người hâm mộ thôi”.
Chính vì nặng tình với quả bóng nên chỉ ít ngày sau ngày thống nhất, các cầu thủ đã “vui như tết” khi nghe thông báo của Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định đồng ý tổ chức một hoạt động thể thao chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày sinh Bác Hồ. Hoạt động này chủ yếu là trận đấu bóng đá và giữa giờ tổ chức thi điền kinh 3.000 m (chạy 7 vòng rưỡi sân) được ấn định vào ngày 20.5 trên sân Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất). Ông Trần Văn Mui, nguyên Phó giám đốc Sở TDTT TP.HCM, là người giành giải nhất cuộc thi 3.000 m ngày đó cũng là chứng nhân lịch sử của sự kiện 20.5.1975 kể lại: “Lúc đó tôi còn là VĐV quyền anh và có thi đấu điền kinh, trước 30.4.1975 còn được tập trung ở biệt đoàn thể thao ở đường Tô Hiến Thành và cũng chơi với nhiều anh em cầu thủ khi họ được gọi lên tuyển miền Nam. Là VĐV nên khi được Ủy ban Quân quản thông báo có hoạt động thi đấu như vậy, chúng tôi mừng lắm, ai nấy cũng hồ hởi đăng ký tham gia. Lúc đó 2 đội Quan thuế và Thương cảng được chỉ định thi đấu trận này và rất đông cầu thủ đã xung phong được xuất hiện trở lại. Tôi nhớ lúc đó cũng có đến gần 100 cầu thủ có số má tề tựu, có người ra sân đấu, có người đến cổ vũ”.
3 tháng, 6 đội bóng mạnh
Do số lượng cầu thủ miền Nam trước đây chủ yếu tập trung ở Sài Gòn và họ đều chọn con đường ở lại khá đông nên chẳng bao lâu sau sự kiện ngày 20.5, lập tức Sài Gòn đã xuất hiện hơn chục đội bóng đá với những tên tuổi lẫy lừng làm nòng cốt như Tam Lang, Tư Lê, Đỗ Thới Vinh, Phạm Văn Lắm, Dương Văn Thà, Nguyễn Văn Ngôn, Cù Sinh, Hồ Thanh Cang, Võ Thành Sơn, Quang Đức Vĩnh, Nguyễn Văn Mộng, Bùi Thái Huệ, Dư Tân, Đỗ Cẩu, Tiết Anh, Võ Bá Hùng, Huỳnh Văn Chiến, Trương Văn Tư (Tư béo)...
Chỉ trong vòng 3 tháng, qua sàng lọc đã xuất hiện ngay 6 đội bóng mạnh như Hải quan, Ngân hàng, Cảng Sài Gòn, Công nhân hóa chất, Tổng cục Vật tư, Lương thực Thực phẩm... Ông Lê Bửu, nguyên Giám đốc Sở TDTT TP.HCM, kể lại: “Khi đó chúng tôi vừa được Tổng cục TDTT giao nhiệm vụ vào nam xây dựng lại thể thao thành phố, việc đầu tiên là khôi phục sức mạnh của môn bóng đá. Cuối tháng 6.1975 chúng tôi vào đến Sài Gòn thì trong 2 tháng sau đó đã lần lượt tiếp xúc, gặp gỡ ngay các cầu thủ miền Nam để đúng ngày Quốc khánh 2.9.1975 tổ chức trận bóng giữa Hải quan và Ngân hàng, phục vụ đồng bào”.
Chính thái độ quyết liệt và hết lòng với bóng đá của ngành TDTT khi đó mà các cầu thủ “ở lại’ đã thực sự hòa nhập, thi đấu rất ấn tượng, đồng thời tạo động lực cho sự ra đời của nhiều đội bóng, nhiều tài năng khác để bóng đá TP duy trì thế mạnh suốt hơn 10 năm liền sau đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.