Giai thoại về một đơn vị hải quan anh hùng

09/09/2005 21:58 GMT+7

Trong lịch sử 60 năm thành lập ngành hải quan thì Cục Hải quan Đồng Nai (HQĐN) mới chỉ qua chặng đường 11 năm xây dựng và trưởng thành. Nhưng họ đã vươn lên một cách ngoạn mục và mới đây đã được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

Gần một năm trước, trong một lần về Đồng Nai công tác chúng tôi đã lấy làm lạ khi nghe Cục trưởng Hải quan Đặng Hạnh Thu than là tuyển kiểm hóa viên rất khó, không cạnh tranh lại với các doanh nghiệp ở Biên Hòa do "đòi hỏi cao mà lương không bằng họ". Đến lúc tiếp cận với bộ máy quản lý và tìm hiểu quy trình làm việc của cán bộ nhân viên dưới quyền ông Thu, chúng tôi mới tin điều ông nói là có thật. Lâu nay ai cũng biết trong toàn bộ dây chuyền nghiệp vụ của hải quan thì "khâu" kiểm hóa là điểm mấu chốt, nơi dễ dẫn đến việc sách nhiễu doanh nghiệp hoặc móc ngoặc tiêu cực của các cán bộ, nhân viên kiểm hóa, song việc tìm "thuốc đặc trị" cho khâu này hầu như không hiệu quả. Trong khi đó, mặc dù chỉ là "cậu em út trong ngành" nhưng từ cuối thập niên 90, HQĐN đã "xử lý vấn đề" một cách đơn giản bằng một chương trình "tự động phân công kiểm tra hàng hóa" với sự trợ giúp của công nghệ thông tin. Chính việc phân công cán bộ kiểm tra một lô hàng cụ thể được máy tính chọn ngẫu nhiên đã hạn chế việc doanh nghiệp "trả lương tháng" và vô hiệu hóa cán bộ kiểm hóa tiêu cực như mọi người đã biết qua một số vụ buôn lậu lớn.

Các báo cáo gần đây của HQĐN hầu như đều tập trung "ca ngợi" công nghệ thông tin, coi đó là điểm nổi bật, thậm chí báo cáo tham luận tại Đại hội thi đua yêu nước ngành tài chính năm 2005 của HQĐN còn xác định công nghệ thông tin là "một trong những nguồn sức mạnh giúp một đơn vị hải quan còn non trẻ của ngành với biên chế chưa đến 3% biên chế toàn ngành (210 cán bộ công chức) nhưng lại đảm nhiệm hoàn thành thủ tục hải quan cho lượng hàng hóa chiếm 9% tổng kim ngạch của cả nước với chất lượng và hiệu quả công tác cao, nhiều năm liền là một trong những đơn vị dẫn đầu trong ngành hải quan...". Tuy nhiên, theo chúng tôi cái cốt lõi là sự tích cực của những con người tại đây. Tiếp xúc với chúng tôi, các cán bộ có trách nhiệm ở Cục HQĐN vẫn chưa quên những "bài học cay đắng" về vụ "cưỡng chế doanh nghiệp nợ thuế 2.000 đồng". Đó là những ngày đầu họ triển khai chương trình theo dõi nợ thuế trên máy vi tính, nên đã xảy ra trường hợp doanh nghiệp nợ thuế số tiền rất nhỏ nhưng máy vẫn báo... cưỡng chế, bắt đầu từ đó dẫn đến câu chuyện nổi tiếng về việc HQĐN cưỡng chế một doanh nghiệp nợ thuế 2.000 đồng.

Đến đầu năm nay, khi ông Đặng Hạnh Thu được rút lên Tổng cục Hải quan giữ chức Phó tổng cục trưởng, ê-kíp lãnh đạo cũng như bộ máy điều hành do ông gầy dựng 10 năm ở Cục HQĐN vẫn tiếp tục duy trì việc ứng dụng công nghệ thông tin để hướng tới các phương pháp quản lý hiện đại. Không dừng lại ở đó, từ cuối tháng 6/2005, Cục trưởng HQĐN Lê Văn Danh đã đột phá thêm một bước mới, một mặt tiến hành các "hội nghị đối thoại doanh nghiệp" bên ngoài, một mặt triển khai chương trình "tư vấn thủ tục hải quan" qua mạng để giải đáp các vướng mắc trong thủ tục xuất nhập khẩu, đồng thời ghi nhận những phản ánh từ phía doanh nghiệp để bổ sung cho phương án cải cách hành chính của mình...

Những thành tích của HQĐN đáng để đồng  nghiệp các nơi học hỏi.

Võ Khối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.