Giải tỏa lo âu về việc làm

21/03/2013 03:30 GMT+7

Lo ngại về việc làm sau khi tốt nghiệp là sự quan tâm chủ yếu của học sinh tỉnh Bình Định trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tại tỉnh này chiều qua 20.3.

Lo ngại về việc làm sau khi tốt nghiệp là sự quan tâm chủ yếu của học sinh tỉnh Bình Định trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tại tỉnh này chiều qua 20.3.

Nhu cầu việc làm khối ngành kinh tế, sư phạm

Đặt câu hỏi trực tiếp tại hội trường, một học sinh (HS) Trường THPT Hùng Vương thắc mắc: “Em nghe nói ngành kinh tế đang khó khăn, vậy có ngành học nào của khối này ra trường dễ kiếm việc làm hay không?”. Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Trần Thanh Long, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: “Việc chọn ngành học chủ yếu dựa vào sở thích và năng lực bản thân. Vì vậy, có thể ví von chọn ngành học như chọn người yêu. Không thể đến khi người yêu bị bệnh, xấu hơn mà không còn yêu nữa. Các em cứ mạnh dạn chọn ngành học, còn khi ra trường có việc làm hay không ngoài kiến thức còn tùy thuộc vào nhiều kỹ năng các em trang bị khi học nữa”.

 Giải tỏa lo âu về việc làm
Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, hướng dẫn HS Trường THPT Nguyễn Diêu (H.Tuy Phước) cách ghi hồ sơ đăng ký dự thi - Ảnh : Đào Ngọc Thạch

Tiến sĩ Phạm Sĩ Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi, thông tin năm 2012 cực kỳ khó khăn của lĩnh vực ngân hàng nhưng các tổ chức tín dụng cũng tuyển dụng gần 10.000 nhân sự. Tuy vậy, đây là nhân sự chất lượng cao và cũng là xu hướng tuyển dụng sắp tới của các cơ quan, doanh nghiệp. Điều này bắt buộc trong thời gian học, sinh viên phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng cho mình thật tốt mới dễ kiếm việc làm”.

Thạc sĩ Nguyễn Phước Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, cũng tư vấn: “Trong khối ngành kinh tế, ngành kế toán có rất nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Đây là ngành học dù tình hình kinh tế có như thế nào, tất cả các cơ quan, doanh nghiệp đều phải tuyển dụng một số lượng đảm bảo cho quá trình điều hành của mình”.

Cũng lo ngại về triển vọng việc làm, một HS Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (huyện An Nhơn) gửi câu hỏi đến ban tư vấn: “Em muốn thi vào ngành giáo dục tiểu học, nhưng hiện nay có nhiều thông tin cho biết học khối ngành sư phạm ra trường không có việc làm. Xin các thầy cô tư vấn em có nên nộp hồ sơ vào học ngành này không?”. Tiến sĩ Lê Xuân Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn, cho biết: “Theo thống kê nguồn nhân lực của Bộ GD-ĐT, khối tiểu học vẫn còn nhu cầu nhân lực cao hơn khối THPT. Theo quy hoạch mạng lưới sắp tới, cơ hội việc làm cũng sẽ tốt hơn nữa so với hiện nay. Vì vậy, học HS không nên quá lo ngại khi học ngành này”.

Giúp HS phát hiện thế mạnh của bản thân

Trong buổi sáng, hơn 1.300 HS lớp 12 của các Trường THPT Nguyễn Diêu và THPT Tuy Phước 1 (H.Tuy Phước) cũng đã được các chuyên gia đến tư vấn ngay tại lớp học.

Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Diêu đã dành ra 2 tiết học cuối để HS được tiếp xúc trực tiếp với đại diện các trường ĐH-CĐ, đưa ra những băn khoăn, thắc mắc trước khi quyết định nộp hồ sơ.

Tại Trường THPT Tuy Phước 1, gần 600 HS lớp 12 nán lại đến gần 12 giờ trưa để nghe tư vấn. Trong số đó, có nhiều HS đã lựa chọn ngành thi nhưng chưa chọn được trường thi phù hợp, không ít HS vẫn còn mơ hồ về sở trường của bản thân. Một HS lớp 12A3 cho biết: “Sau khi trả lời hết những câu hỏi trắc nghiệm ngành nghề do Báo Thanh Niên cung cấp, em không ngờ điểm thực tế của mình lại cao nhất. Do đó, thay vì thi vào ngành kế toán, chắc em sẽ tìm một ngành khác thiên về hoạt động xã hội”. Không chỉ phát hiện ra thế mạnh của bản thân, nhiều HS cho biết mình sẽ điều chỉnh trường thi phù hợp với lực học, chẳng hạn một HS lớp 12A5 lúc đầu định thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhưng sau khi biết điểm chuẩn của trường vượt khá xa khả năng (lực học trung bình), đã quyết định sẽ chọn trường khác để tăng khả năng trúng tuyển.

Trong buổi chiều qua, ngoài 1.500 HS tham gia trực tiếp chương trình tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Bình Định, còn có hơn 550 HS của 4 trường THPT huyện An Nhơn tập trung tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ theo dõi qua truyền hình và nối điện thoại trực tiếp để đặt câu hỏi.

 
Ban tổ chức xin cảm ơn Đài phát thanh - truyền hình, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Bình Định, Công ty TNHH dầu nhờn GS Việt Nam, Công ty dược - trang thiết bị y tế Bình Định, Hội Điện cơ Bình Định, Viettel Bình Định, Bảo hiểm Pjico Bình Định, Công ty cổ phần nước khoáng Quy Nhơn, VNPT Bình Định đã phối hợp tổ chức thành công chương trình. Cám ơn các Trường ĐH Lạc Hồng, CĐ Kinh tế kỹ thuật miền Nam, SeaBank Bình Định đã tặng 13 suất học bổng Nguyễn Thái Bình, mỗi suất 1 triệu đồng; Công ty cổ phần vận tải và du lịch Phương Trang đã đưa đón đoàn tư vấn.

Đăng Nguyên - Hoàng Trọng - Mỹ Quyên

>> Học sinh Bình Định nô nức đi nghe tư vấn
>> Tổ chức Tư vấn mùa thi ở các tỉnh miền Trung
>> Hơn 3.000 học sinh tham gia tư vấn mùa thi ở Hải Dương
>> Khám bệnh tư vấn miễn phí cho phụ nữ Cần Thơ
>> Tư vấn mùa thi ở Đắk Lắk

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.