Hư thực vụ việc này như thế nào?
Thực hiện dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhiều hộ dân ven kênh ở P.7, Q.3 nằm trong phạm vi giải tỏa đã tự nguyện nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng sớm cho ban quản lý dự án. Trong đó có anh Phạm Thế Yên đã tự nguyện tiên phong trong việc bàn giao căn nhà số 134/109/229 Lý Chính Thắng (do căn nhà anh bị giải tỏa trên 70% cho nên bị giải tỏa trắng, diện tích còn lại 23,74m2) và nhận tiền đền bù giải tỏa, tự lập chỗ ở mới tại P.12, Q.Gò Vấp. Vì cái chung, anh Yên đã chấp nhận không yêu cầu giải quyết nhận phần diện tích còn lại.
Năm 2001, UBND P.7 được UBND Q.3 đồng ý cho phép sử dụng phần đất trống sau giải tỏa đưa vào sử dụng công ích. Năm 2002, phường đã trích kinh phí hơn 50 triệu đồng xây dựng phòng đọc sách trên diện tích đất còn lại của nhà anh Yên (23,74m2) với cấu trúc bán kiên cố: tường cột gạch, mái tôn; đầu tư 500 đầu sách các loại, chủ yếu là sách thiếu nhi. Sau đó, phường đã bàn giao cho Ban chấp hành Công đoàn phường quản lý và thu hút nhiều trẻ em ở địa phương vào đọc. Hoạt động được một thời gian ngắn đột nhiên phòng đọc đã đóng cửa trước sự ngỡ ngàng của người dân nơi đây. Bất ngờ hơn khi một cặp vợ chồng lạ đã dọn đồ đạc đến ở. Ban ngày phòng đọc sách đã bị khóa trái bởi 2 ổ khóa to đùng, ban đêm thì thấy 2 vợ chồng lạ về ngủ khiến người dân bức xúc.
Trả lời về vấn đề trên, bàâ Vũ Thị Tường Vy, Chủ tịch UBND P.7, Q.3 cho biết: "Do chị Nguyễn Thị Dung (cán bộ địa chính xây dựng phường) không có chỗ ở cho nên chính quyền địa phương bố trí cho chị Dung ở tạm..."(!). Bà Vy nêu ra nhiều nguyên nhân nhưng không có một nguyên nhân nào thuyết phục.
Trước sự bất hợp lý nói trên, nguyện vọng của người dân nơi đây cũng như anh Phạm Thế Yên là chính quyền địa phương cần trao trả lại mặt bằng trên phục vụ đúng mục đích công ích.
Đàm Huy
Bình luận (0)