Sau khi tiêu diệt kẻ thù trong phần trước, Godzilla xưng bá thành vua quái vật thống lĩnh các Titan trên Trái đất và muốn giành lại quyền làm chủ hành tinh từ con người. Song song đó, Kong đang được giám sát tại Đảo Đầu Lâu lại có nhu cầu muốn tìm lại nguồn cội tổ tiên mình. Một núi không thể có hai hổ, hành trình và động cơ của hai siêu quái vật dẫn đến cuộc chạm trán không thể tránh khỏi, kéo theo hàng loạt trận giao chiến long trời lở đất nhằm phân tài cao thấp. Mặt khác, phía nhân loại cũng đang ấp ủ kế hoạch loại bỏ các siêu quái vật khỏi bề mặt địa cầu vĩnh viễn.
Được ví như bữa tiệc thị giác, đặc sản chính của Godzilla vs. Kong đương nhiên là những màn giao đấu hấp dẫn được thực hiện trên nền kỹ xảo hoành tráng, bắt mắt. Hai siêu quái thú cắn xé nhau giữa đại dương rộng lớn rồi tiếp tục làm náo động đường phố Hồng Kông lung linh ánh đèn neon. Cuộc đấu ngang tài ngang sức ở tầm vóc "vĩ mô" giữa hai sinh vật khổng lồ sẽ khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình.
|
Xét về khía cạnh hành động, bộ phim không có gì để chê. Ê-kíp phim cùng đạo diễn Adam Wingard đã làm rất tốt trong việc định hình phong cách chiến đấu của mỗi quái thú, từ những cú đấm đậm chất võ sĩ quyền anh hay cú bổ rìu không khoan nhượng của Kong, cho đến những cú bắn hơi thở nguyên tử (atomic breath) có sức công phá dữ dội của Godzilla. Mỗi màn giao chiến đều có phân thắng bại, diễn ra với nhịp điệu nhanh, dồn dập, phát triển cao trào bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm thanh vang dội và kỹ xảo hình ảnh trau chuốt.
Thoạt nhìn, Godzilla vs. Kong đưa người xem vào thế phải chọn một trong hai quái thú trong cuộc chiến này, thế nhưng chuyện phim rõ ràng thiên về Kong hơn Godzilla, vốn là nhân vật đã được khai thác trong hai phần phim 2014 và 2019. Câu chuyện của Godzilla chẳng khác gì một người hùng trong các phim phiêu lưu hành động phổ biến ở Hollywood, cũng có đi tìm nguồn cội, lý tưởng sống, đạt được vũ khí tối thượng rồi quay về đánh bại đối thủ mạnh nhất để giành lấy ngôi vị. Lựa chọn của nhà làm phim cũng dễ hiểu khi Kong là quái thú có thể giao tiếp với con người và biết biểu đạt cảm xúc hơn hẳn một Godzilla hùng mạnh nhưng luôn giữ khoảng cách trước nhân loại.
Tuyến truyện về con người là phần yếu nhất trong Godzilla vs. Kong. Mọi sự kiện xoay quanh con người được bày ra một cách ngẫu hứng, hời hợt, dường như chỉ để lấp đầy thời lượng phim trống trong khi đợi đến cảnh hai quái vật giao chiến với nhau. Các nhân vật bị hạ xuống vai trò làm nền trên sàn đấu của hai quái thú, trong khi lẽ ra mọi thứ phải theo hướng ngược: Godzilla và Kong chỉ nên là những nhân vật minh họa cho mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên.
|
Godzilla vs. Kong có thể là phần ổn nhất trong chuỗi 4 bộ phim về Vũ trụ Quái vật cho đến thời điểm này, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó. Kịch bản phim đi theo công thức quen thuộc của những "bom tấn" hành động hạng B thường thấy và cũng không có ý định đi xa hơn phạm vi an toàn.
Theo thời gian, dưới bàn tay nhào nặn từ những hãng phim Hollywood hiện đại, cả hai biểu tượng Godzilla và Kong đều đã mất đi ý nghĩa khai sinh ban đầu của chúng (gắn với chiến tranh hạt nhân, sự tàn ác của con người), trở thành những nhân vật thuần chất giải trí trong nền văn hóa đại chúng. Dĩ nhiên, điều này không xấu vì biểu tượng văn hóa nào cũng cần phải thay đổi để thích nghi với bối cảnh thời đại mới.
|
Việc bộ phim tước đi câu chuyện về con người, thay vào đó tập trung phô bày kỹ xảo và sự hoành tráng đã cho thấy phần nào hướng đi của Vũ trụ Quái vật trong tương lai. Sẽ có những quái thú mới, những thế giới mới, những kỹ xảo và phong cách hành động còn mãn nhãn hơn nữa, nhưng câu chuyện cũng sẽ ít được chú trọng hơn, ý nghĩa biểu tượng của các quái thú sẽ dần mất đi.
Nhìn chung, Godzilla vs. Kong là loại phim giải trí giúp khán giả thỏa mãn trong gần hai giờ đồng hồ, để rồi quên ngay khi bước ra khỏi rạp. Vì lẽ đó, nếu bạn tìm kiếm một "bom tấn" để tạm thời quên đi thực tại, Godzilla vs. Kong vẫn sẽ là lựa chọn thích hợp và trọn vẹn. Bộ phim hiện được chấm 7,4/10 trên IMDb và đạt 79% độ "tươi" trên Rotten Tomatoes.
Bình luận (0)