Việc giảm chỉ tiêu đồng nghĩa với giảm kinh phí hoạt động và ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tồn tại của trường sư phạm địa phương.
Không đủ tiền trả lương cho giảng viên
Trường CĐ Sư phạm (SP) Nghệ An là trường của địa phương được thành lập năm 1959, bộ máy tổ chức của nhà trường hiện nay được hình thành trên cơ sở sáp nhập rất nhiều trường trung cấp SP khác trên địa bàn toàn tỉnh trong mấy chục năm qua. Hiện nay, trường có 15 khoa, phòng, ban và trung tâm, với 225 người lao động, trong đó 80% là giảng viên.
Trong những năm gần đây, trước bối cảnh khó khăn của hệ thống đào tạo SP, trường vẫn hoạt động được trong trạng thái cầm cự là nhờ vẫn tuyển sinh mỗi năm khoảng dăm bảy trăm chỉ tiêu. Tuy nhiên, năm nay, trường chỉ được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh tổng cộng 210 chỉ tiêu trong khi trường đề xuất tuyển 600.
tin liên quan
Giảm 1/3 chỉ tiêu vào các trường sư phạmGS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH SP Hà Nội, cho biết việc áp chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT với các trường SP T.Ư không vấn đề gì, bởi các trường vẫn được Bộ đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên. Đáng lo là trường địa phương, bởi nguồn chi cho bộ máy của họ phụ thuộc vào ngân sách và quan điểm chi tiêu cho GD-ĐT của địa phương.
Hướng nào cho các trường ?
Theo hiệu trưởng các trường SP, hiện cả nước có 118 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó rất ít trường đã được kiểm định (chủ yếu chỉ là các trường trong nhóm ETEP - chương trình phát triển các trường SP để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông).
|
Trước thực tế này, Trường CĐ Hải Dương đang tìm hướng tồn tại. Tiến sĩ Vũ Hoài An, Hiệu trưởng trường này, cho biết: “Từ nhiều năm nay, trường mở đa ngành đào tạo, nên chỉ tiêu SP chỉ là một phần. Biết trước có ngày hôm nay, nên trường đã thiết lập hệ thống trường phổ thông thực hành, vừa tạo thu nhập cho giảng viên các ngành SP vừa để là nơi họ có trải nghiệm công tác chuyên môn. Thực tế cho thấy hướng này rất tốt. Do vậy, dù năm nay chỉ được Bộ cho 350 chỉ tiêu (bằng một nửa năm 2017), chúng tôi cũng thấy không vấn đề gì”.
Hướng sáp nhập các trường CĐ SP thành một cơ sở của trường ĐH lớn cũng đã được triển khai ở vài nơi nhưng diễn biến khá chậm. Nơi đầu tiên hiện đã thành công theo phương án này là Trường CĐ SP Hà Nam sáp nhập vào Trường ĐH SP Hà Nội. Tuy nhiên, chủ trương có từ cách đây mấy năm nhưng mãi đến tháng 12.2017 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới có thể ký được quyết định chính thức.
GS Nguyễn Văn Minh cho biết thêm, trường đã có hướng thành lập ở Hà Nam hệ thống phổ thông liên cấp, bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2018 - 2019, vừa là cơ sở thực hành, vừa tạo yếu tố hạt nhân triển khai chương trình phổ thông mới ở khu vực phía nam Bắc bộ. “Đây là lần đầu tiên có việc trường tiếp nhận cơ sở đào tạo SP khác, và cũng chỉ mới bắt đầu nên chưa thể đánh giá hiệu quả được. Nhưng chúng tôi nhận thấy cán bộ của Trường CĐ SP Hà Nam cũ rất mong chờ việc sáp nhập này”, GS Minh cho hay.
Bình luận (0)