Giám đốc Công ty Thiên Sơn: Chúng tôi không có trách nhiệm giám sát việc sửa chữa

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/01/2019 17:16 GMT+7

Bị cáo Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Thiên Sơn, cho rằng việc giám sát sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 là trách nhiệm của bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình chứ không phải của công ty này.

Chiều 15.1, phiên tòa xét xử vụ án tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo.
Khai trước tòa, bị cáo Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn, người trực tiếp ký hợp đồng với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình về việc sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2, khẳng định Thiên Sơn ký hợp đồng để Công ty Trâm Anh của Bùi Mạnh Quốc thay Thiên Sơn thực hiện hợp đồng đã ký với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình vì biết Quốc có đủ năng lực, trình độ làm việc này vì Quốc đã làm cho Thiên Sơn rất nhiều hợp đồng.
“Trước đây, Quốc là kỹ sư trưởng của Công ty Minh Hoàng làm cho Thiên Sơn rất nhiều. Sau này, Quốc thành lập Công ty Trâm Anh thì cũng ký với Thiên Sơn 4-5 hợp đồng. Từ khi làm việc với Quốc thì thấy Quốc rất chăm chỉ, chịu khó và rất giỏi”, bị cáo này khai.
Theo Giám đốc Công ty Trâm Anh, thì việc giám sát sữa chữa thuộc về chủ đầu tư là bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình chứ Thiên Sơn không có trách nhiệm giám sát. Hơn nữa, trong quá trình sửa chữa cho tới khi sự cố xảy ra, bị cáo Quốc không có bất cứ thông báo nào cho Thiên Sơn và cũng chưa thực hiện việc bàn giao theo hợp đồng đã ký giữa 2 bên nên Thiên Sơn không thể giám sát được.
“Khi nào có kết quả xét nghiệm nước thì Quốc mới bàn giao cho Thiên Sơn và Thiên Sơn mới bàn giao cho bệnh viện được. Thực tế Thiên Sơn chưa bàn giao bằng bất cứ hình thức nào cho bệnh viện mà bệnh viện đưa vào sử dụng thì không thể nói là Quốc làm sai”, bị cáo Tuấn khai.
Bị cáo Tuấn cũng cho biết, trong quá trình liên doanh, liên kết giữa Thiên Sơn và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình trong việc thuê máy chận thận chưa từng có tình trạng việc chạy thận phải dừng lại toàn bộ do hệ thống lọc nước RO hư hỏng vì bệnh viện luôn có 1 hệ thống lọc nước để dự phòng khi hệ thống khác sửa chữa và chờ xét nghiệm mẫu nước.
“Thực tế là trước đó hệ thống lọc nước của bệnh viện đã phải thực hiện việc sửa chữa nhiều lần nhưng chưa bao giờ có trường hợp phải dừng việc chạy thận”, bị cáo này nói.
Theo cáo trạng, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, bị cáo Đỗ Anh Tuấn đã thiếu trách nhiệm khi bỏ mặc Quốc tự mua hàng hóa, tự liên hệ với Trần Văn Sơn để thực hiện việc sửa chữa. Bên cạnh đó, bị cáo này cũng không nhắc nhở, cảnh báo bị cáo Quốc về việc đảm bảo chất lượng nguồn nước sau sửa chữa, không đưa hệ thống lọc nước RO số 2 vào vận hành khi chưa xét nghiệm nước.

Chỉ dùng hóa chất cấm để vệ sinh vỏ màng lọc

Được hỏi có ý kiến gì về truy tố của Viện kiểm sát trong cáo trạng cũng như lời khai của các bị cáo khác liên quan tới mình trong 2 ngày qua, bị cáo Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc Công ty Trâm Anh gay gắt khẳng định, bản thân chưa bao giờ nói quá trình sửa chữa ngày 28.5, bị cáo dùng hóa chất cấm là HCL và HF sục rửa hệ thống RO mà chỉ tận dụng hóa chất thừa từ lần sục rửa cách đó 3 tháng để vệ sinh vỏ của màng lọc của hệ thống RO số 2.
“Khi đó bị cáo thay màng thấy bẩn quá mới dùng hóa chất để rửa lại”, bị cáo Quốc khai và cho biết, lượng hóa chất mà bị cáo này dùng để “vệ sinh vỏ màng lọc” là khoảng 4-5 lít trong khi sục rửa thì mỗi hệ thống lọc nước của bệnh viện phải mất khoảng 25 lít hóa chất.
Bị cáo này cũng khai, việc sử dụng hóa chất HCL và HF được bị cáo thực hiện cho việc sục rửa hệ thống lọc nước cho các đơn nguyên thận nhân tạo của các bệnh viện từ năm 2013 khi còn làm việc với tư cách là kỹ sư trưởng của Công ty Minh Hoàng.
“Ngay tối hôm trước, 27.5, bị cáo đang làm vệ sinh cho hệ thống lọc nước của Bệnh viện đa khoa Phủ Lý (Hà Nam) bằng hóa chất này và không hề có vấn đề gì”, bị cáo Quốc.
Nguyên Giám đốc Công ty Trâm Anh cũng cho biết, nắm rất rõ hệ thống lọc nước của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và còn là người trực tiếp hướng dẫn các điều dưỡng về việc vận hành hệ thống.
Theo bị cáo, 2 hệ thống lọc nước RO số 1 và số 2 của bệnh viện có thể chạy song sóng đổ vào tank (bồn) ghi là RO số 1 và RO số 2, 2 tank có đường ống thông với nhau để khi một máy gặp sự cố thì dùng hệ thống kia.
Khi tòa hỏi có khuyến cáo bệnh viện sử dụng 1 hệ thống lọc nước để dự phòng trong trường hợp sửa chữa hay không bị Quốc khẳng định là có khuyến cáo từ khi bệnh viện này tiến hành nâng cấp hệ thống lọc nước RO số 1 để đáp ứng nhu cầu chạy thận.
Nguyên giám đốc Công ty Trâm Anh cũng khai trong qua trình thực hiện sửa chữa, không hề có nhân viên nào của bệnh viện giám sát. Do đó, bị cáo này cũng không thể lấy mẫu nước đi xét nghiệm dù biết đây là nội dung quan trọng phải thực hiện của hợp đồng vì không có người của bệnh viện làm chứng.
Khi tòa truy hỏi lý do, tại sao chưa lấy mẫu nước đi xét nghiệm mà không cảnh báo bệnh viện không được sử dụng và sáng ngày hôm sau, 29.5, khi tới bệnh viện thấy hệ thống lọc nước RO số 2 đã được bệnh viện chạy lại không ngăn cản, bị cáo Quốc thừa nhận đây là lỗi của mình, tuy nhiên, cho rằng, bị cáo chưa bàn giao hệ thống cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình vì chưa xét nghiệm và bản thân bị cáo cũng chỉ có trách nhiệm bàn giao cho Công ty Thiên Sơn chứ không phải bàn giao với bệnh viện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.