Giảm giá chưa đủ sức kích cầu

Mai Phương
Mai Phương
21/11/2022 06:32 GMT+7

Đồng loạt giảm giá, thực hiện khuyến mãi từ 15.11 - 31.12 đang được các doanh nghiệp thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng. Nhưng trong bối cảnh thu nhập giảm, khó khăn tăng thì cần tổng lực các giải pháp tài chính, tài khóa mới đủ vực dậy sức mua trên thị trường.

Cả nước thực hiện khuyến mãi

Kể từ ngày 15.11, tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 - Vietnam Grand Sale trên toàn quốc đã chính thức được thực hiện. Chương trình sẽ kéo dài đến ngày 22.12 với mục đích kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chương trình được kỳ vọng sẽ là một trong những nội dung quan trọng, giúp khai thác tối đa thị trường nội địa để nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong thời gian cuối năm. Tất cả doanh nghiệp (DN) trong mọi ngành nghề đều được tham gia với hoạt động khuyến mãi có thể lên đến 100% mà không bị giới hạn ở mức 50% như lúc các DN tự thực hiện.

Kích cầu tiêu dùng cuối năm rất cần nhiều giải pháp đồng bộ

Ngọc Dương

Năm 2021, tháng khuyến mại tập trung quốc gia có sự tham gia của hơn 56.410 chương trình, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng triển khai chương trình đạt khoảng 458.500 tỉ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Vì vậy, ban tổ chức kỳ vọng năm nay chương trình sẽ đạt tổng mức bán lẻ gấp đôi của năm vừa qua.

Chẳng hạn, Sở Công thương Hà Nội đã tiếp nhận khoảng 10.000 thông báo từ các DN tham gia với tổng giá trị khuyến mãi ước khoảng 20.000 tỉ đồng. Hay Sở Công thương TP.HCM cũng có gần 4.000 chương trình Khuyến mại tập trung - mùa mua sắm “Shopping Season 2022” của khoảng 1.200 DN đăng ký tham gia. Thậm chí, thời gian khuyến mãi của chương trình tại TP.HCM có thể kéo dài đến ngày 25.1.2023 do rơi đúng gần dịp Tết Nguyên đán.

Nhà nước cần xem xét kéo dài chương trình giảm thuế giá trị gia tăng cho các loại hàng hóa sang năm 2023. Đồng thời giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương để phù hợp với đời sống hiện nay.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú

Là một hệ thống bán lẻ lớn nhất tại TP.HCM, Saigon Co.op đã thực hiện liên tục các chương trình khuyến mãi từ nay đến cận Tết Nguyên đán 2023, với 2 mục tiêu chính là vừa tham gia chương trình “Shopping Season 2022” vừa phục vụ người dân mua sắm tết. Đại diện Saigon Co.op cho biết sự khác biệt chủ yếu của chương trình dịp cuối năm là tập trung mạnh vào nội dung “giảm giá”.

Đây là sự sẻ chia thiết thực nhất với người dân trong giai đoạn hiện nay, cơ cấu khuyến mãi tập trung vào các mặt hàng tết như bánh kẹo, thịt gia súc, thịt gia cầm… càng về gần tết càng giảm sâu. Dự kiến sức mua và lượt khách tăng từ 40 - 50% so với giữa năm và có thể tăng gấp đôi khi chính thức bước vào cao điểm mua sắm tết kể từ cuối tháng 12.

Trong khi đó, vừa thực hiện chương trình giảm giá mạnh trong lễ hội mua sắm ngày 11.11, sàn thương mại điện tử Lazada cũng chuẩn bị nhiều chương trình ưu đãi trong mùa mua sắm cuối năm. Bà Kaya Qin, Tổng giám đốc Lazada VN và Giám đốc thương mại Tập đoàn Lazada, chia sẻ rằng lễ hội mua sắm 11.11 “Sale bom tấn” trên Lazada đã góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng cũng như tạo đà tăng trưởng tích cực cho các DN trên sàn thương mại điện tử trong mùa mua sắm cuối năm. Hiện Lazada đang tích cực mở rộng nguồn hàng, triển khai hàng loạt ưu đãi như giảm giá sâu tới 90%, miễn phí giao hàng toàn quốc cùng nhiều hoạt động hấp dẫn khác để đáp ứng nhu cầu mua sắm và kinh doanh tăng cao của hàng triệu người tiêu dùng và DN trong lễ hội mua sắm 12.12 và tết sắp tới.

Giảm giá, giảm thuế, tăng cho vay tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư công...

Giảm giá, khuyến mãi được xem là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sức mua. Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, để thu hút được người tiêu dùng, nên khuyến khích các DN giảm giá nhiều hơn cho các hàng hóa thiết yếu, thay vì chỉ tập trung vào quần áo thời trang. Quan trọng hơn là đảm bảo chất lượng hàng hóa; khuyến mãi thật sự chứ không phải kiểu tăng giá cao trước khi giảm và cơ quan quản lý cần có sự giám sát chặt chẽ về hàng hóa, giảm giá… Nhưng trong bối cảnh nhiều công nhân đang bị thất nghiệp hay thu nhập giảm sút đến 50% vì các DN thiếu đơn hàng, sản xuất cầm chừng thì chỉ giảm giá thôi vẫn chưa đủ để kích cầu. Vì vậy, ông Vũ Vinh Phú cho rằng nhà nước cần xem xét kéo dài chương trình giảm thuế giá trị gia tăng cho các loại hàng hóa sang năm 2023. Đồng thời giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương để phù hợp với đời sống hiện nay khi vật giá đã leo thang quá cao.

“Nói đi nói lại thì làm thế nào để giá hàng hóa xuống thấp, nhất là sản phẩm thiết yếu, thì người tiêu dùng mới có thể mua được khi thu nhập lại đang sụt giảm. Ví dụ một ký thịt heo hơi có giá hơn 50.000 đồng, nhưng một ký thịt đến tay người mua vẫn lên hơn 200.000 đồng là quá cao, nhiều gia đình sẽ không đủ tiền để mua. Giá hàng hóa tăng vùn vụt mà người làm công ăn lương vẫn cứ phải đóng đủ thuế thu nhập theo quy định đã ban hành gần cả chục năm thì tiền đâu nữa mà mua sắm để kích cầu”, ông Vũ Vinh Phú nêu.

Đồng tình, TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) phân tích: Để kích thích sức cầu trong nền kinh tế thì việc giảm giá hàng hóa chỉ là một giải pháp nhỏ và sẽ khó đạt mục tiêu, nhất là khi số người bị thất nghiệp được dự báo sẽ ngày càng tăng khi các DN sản xuất, xuất khẩu gặp khó khăn. Vậy làm thế nào để người dân có tiền để mua hàng hóa khi được khuyến mãi, giảm giá?

Ông Điền cho rằng Chính phủ cần phải đẩy mạnh đầu tư công. Điều này cũng thúc đẩy tổng cầu chung của nền kinh tế, tạo công việc cho nhiều DN để người lao động không bị thất nghiệp, duy trì được thu nhập. Song song đó, các ngân hàng cũng phải đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng để nhiều người có cơ hội mua sắm các loại hàng hóa có giá trị cao dịp cuối năm như mua nhà, mua xe, mua ti vi… Đồng thời, giải pháp giảm thuế thu nhập cá nhân cũng cần được xem xét để góp phần thúc đẩy cầu tiêu dùng từ số lượng người đang đi làm công ăn lương hiện nay.

“Tôi nhớ năm 2021, việc Chính phủ giảm 50% thuế trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước để hỗ trợ các DN ngành này cũng đã có hiệu quả khi sản phẩm bán ra đã tăng lên. Vì vậy để kích cầu tiêu thụ nội địa thì nhà nước phải áp dụng nhiều chính sách đồng bộ, kể cả các chính sách về thuế hay tăng cho vay tiêu dùng một chút. Hiện nay lãi suất đã tăng cao thì nhiều người cũng không thể vay để mua hàng hóa; nhưng nếu ngân hàng vẫn cho vay, có thể để mua nhà thì người dân vẫn cần. Còn nếu như chỉ để các DN tự giảm giá hàng hóa thì sẽ không có nhiều kết quả, vì quan trọng nhất vẫn là thu nhập của nhiều người dân đã giảm sút và tâm lý co cụm, tiết kiệm cao hơn”.

TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.