|
Lục bình là loài thân thảo, thường sống ở ao đầm hoặc trôi theo các nhánh sông. Đến giai đoạn trưởng thành, lục bình cao từ 60 - 65 cm, được người dân cắt sát gốc, vạc bỏ lá, đem phơi vài ba nắng để làm nguyên liệu đan.
Kỹ thuật đan lục bình rất đơn giản: kiểu thứ nhất là đan xương cá, thường dùng để đan thảm; thứ hai là đan hạt gạo làm kệ báo; kiểu thứ ba là đan rối hay đan nhện. Sản phẩm đan khung có thể đan rối hay đan kiểu hạt gạo đều được. Trước khi bắt tay vào làm, chị em được đào tạo nghề miễn phí từ 2 - 5 ngày. Chị Đoàn Thị Huyền (ngụ ấp Phước Định 2, xã Bình Hòa Phước, H.Long Hồ, Vĩnh Long) nói: “Tụi tui chuyên nhận đan khung làm chai lục bình. Trung bình mỗi ngày đan được 2 khung, kiếm khoảng 50.000 đồng, nhờ đó mà cuộc sống ổn định hơn trước”.
Ông Thuận, chủ đại lý hàng thủ công mỹ nghệ làm từ lục bình ở ấp Phước Định 2, cho biết thợ đan xong, ông gom sản phẩm về phơi nắng, nắng tốt thì 3 ngày, trời mưa có thể lên đến 5 - 7 ngày. Khổ nhất là lúc lục bình bị mốc, phải chà sạch, đem phơi lại. Khi sản phẩm đã khô, ông Thuận lấy màu sơn lại.
Bình quân mỗi tuần ông Thuận giao cho đại lý cấp cao hơn 150 sản phẩm thô. Các sản phẩm này được đưa về Cơ sở gia công hàng thủ công mỹ nghệ Trọng Hiếu (khu phố 2, thị trấn Chợ Lách, H.Chợ Lách, Bến Tre) để o bế lại, sơn PU trước khi xuất xưởng. Hiện Cơ sở Trọng Hiếu có 7 đại lý chuyên hợp đồng cho vệ tinh 2 kiểu đan khung là chai lục bình và chậu quai hồng. Mỗi đại lý có từ 30 - 50 xã viên, chủ yếu là các chị em nhàn rỗi ở địa phương.
Bài, ảnh: Thanh Hương
Bình luận (0)