Nghiên cứu để giải quyết vấn đề thực tiễn cuộc sống
Công trình nghiên cứu của nhóm sinh viên ngành quản lý tài nguyên và môi trường Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã vượt qua hơn 400 đề tài để giành giải nhất Giải thưởng Khoa học và công nghệ dành cho giảng viên trẻ, sinh viên trong các cơ sở giáo dục ĐH năm 2021 của Bộ GD-ĐT.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu bao gồm Võ Hòa (sinh viên năm 4), Lê Thị Xuân Hương, Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Thành Tất (cùng sinh viên năm 3) thực hiện công trình "Nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật xử lý và phân giải màu nhuộm hữu cơ trong nước thải dệt nhuộm".
Nguyễn Thanh Tất, Lê Thị Xuân Hương, thạc sĩ Trần Thành, Nguyễn Hữu Tiến và Võ Hòa (từ trái sang phải) gặp gỡ nhau khi dịch chưa bùng phát |
NVCC |
Theo Võ Hòa, đề tài này xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. "Dệt nhuộm là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn ở Việt Nam. Điều này gây ra vấn đề nan giải cho môi trường vì thành phần nước thải dệt nhuộm chứa một lượng lớn các hợp chất hữu cơ độc hại như thuốc nhuộm, kim loại, muối, các hợp chất hữu cơ bền...", Võ Hòa lưu ý.
Bên cạnh đó, dư lượng thuốc nhuộm Azo có trong nước thải đe dọa đời sống động, thực vật thủy sinh, làm mất đi khả năng tự sạch của nguồn nước, ảnh hưởng đến đời sống dân cư sống ven khu vực xả thải.
Nhóm nghiên cứu cảnh báo lượng độc tính trong nước thải dệt nhuộm có thể gây ra các bệnh về da, tim, thận, gan và hệ thần kinh trung ương, rối loạn chức năng sinh sản và ung thư...
Trưởng nhóm nghiên cứu Lê Thị Xuân Hương cho hay nhiều phương pháp xử lý đã được phát triển và ứng dụng như oxy hóa bậc cao, hóa lý, nhưng nước thải sau xử lý cũng không đảm bảo tiêu chuẩn xả thải, lại phát sinh thêm chất thải nguy hại là bùn hóa phẩm, làm tốn thêm chi phí xử lý.
"Từ thực tiễn đó, chúng tôi quyết tâm nghiên cứu phương pháp xử lý sinh học, kết hợp các tổ hợp chủng vi khuẩn để nâng cao hiệu suất và tận dụng được nguồn vi sinh có trong nước thải dệt nhuộm, giúp mang lại hiệu quả cao, ít tốn kém chi phí và thân thiện với môi trường”, Xuân Hương chia sẻ thêm.
Đi xin bùn, nước thải khắp nơi
Nhóm Trường ĐH Nguyễn Tất Thành bắt đầu thực hiện đề tài vào năm 2017 dù kiến thức về mảng này vẫn còn mơ hồ. Sau khi được giảng viên hướng dẫn, truyền đạt về kỹ thuật nuôi cấy vi sinh cùng kiến thức có liên quan, nhóm đã từng bước thực hiện các khâu như thu thập tài liệu, khảo sát, đánh giá thông tin về hiện trạng xử lý nước thải dệt nhuộm...
Nhóm đã vượt qua nhiều khó khăn để đạt được nhất |
NVCC |
Võ Hòa kể lại: “Vấn đề khó khăn nhất là làm thế nào để nuôi cấy và phát triển được bộ chủng vi sinh đặc trưng riêng. Vi sinh, đặc biệt là các chủng vi khuẩn, thường đòi hỏi những tiêu chí rất cao về chất lượng phòng cấy, buồng cấy, khử khuẩn và vô trùng toàn bộ dụng cụ cũng như môi trường nuôi cấy vi sinh. Môi trường nuôi vi sinh nếu không được kiểm soát tốt thì rất dễ bị nhiễm nấm hoặc dễ chết. Chỉ cần có một sai sót nhỏ ở các khâu vô trùng, khử khuẩn là phải làm lại nhiều mẻ và phải làm liên tục”.
Nhóm sinh viên có nhiều hôm phải ở lại phòng thí nghiệm tới 19 - 20 giờ để cấy và canh bộ chủng vi sinh, cũng có lúc muốn... bỏ cuộc vì sợ không đạt được kết quả như mong muốn.
Chưa kể đến việc xin nước thải và bùn dệt nhuộm ở các khu công nghiệp để về phân tích cũng không hề đơn giản. Nhóm phải chạy khắp nơi để xin nhưng không công ty nào đồng ý cung cấp và cuối cùng phải nhờ đến một người quen.
“Cũng nhờ vào sự đồng lòng, quyết tâm, chúng tôi đã có được kết quả này. Sau khi đạt giải nhất, chúng tôi lên kế hoạch nghiên cứu các điều kiện thích nghi, tối ưu nhất của các chủng vi khuẩn với nước thải dệt nhuộm để thử nghiệm trước khi đưa vào thực tế”, Võ Hòa bày tỏ.
Xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường
Thạc sĩ Trần Thành, giảng viên hướng dẫn chính nhóm nghiên cứu, nhận định: "Hiện nay quy trình xử lý nước thải dệt nhuộm thường là quy trình hóa lý sẽ tạo ra nhiều chất thải nguy hại sau xử lý. Phương pháp mà nhóm thực hiện giúp loại bỏ các yếu tố gây ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa và giảm thiểu được việc phát sinh bùn hóa phẩm, chất thải nguy hại từ việc sử dụng quá nhiều chất hóa chất để xử lý nước thải dệt nhuộm".
Theo thạc sĩ Thành, nghiên cứu này sẽ mở ra phương hướng sử dụng quá trình sinh học trực tiếp cho loại hình nước thải này, vừa xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường vừa không thải ra quá nhiều chất thải nguy hại, phù hợp với chủ trương phát triển bền vững của nhà nước.
Bình luận (0)