Tại Ngày hội Tái chế chất thải TPHCM diễn ra vào ngày 17-5, trong số gần 7.000 lượt khách đến, có tới hơn 2.000 lượt người đổi chất thải nguy hại lấy quà. Chất thải nguy hại thu được từ ngày hội gồm có bóng đèn, pin, bình ắc quy, bình đựng hóa chất hư, cũ... Chỉ tính riêng pin cũ đã đạt đến khối lượng gần một tấn. “Điều đó cho thấy ở Việt Nam, chất thải nguy hại thải ra từ hộ gia đình không hề nhỏ”- TS Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ Tái chế chất thải TPHCM, nhận xét.
Hạn chế mua sản phẩm có thể trở thành rác độc
Chất thải nguy hại trong gia đình gây hại cho sức khỏe và sự sống của con người. Theo thạc sĩ Đỗ Hoàng Oanh, Phó Phòng Kế hoạch Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, đầu tiên là khả năng bị phơi nhiễm (tiếp xúc trực tiếp, hít vào hoặc nuốt phải) với những chất độc trong khi sử dụng. Kế đến, các hóa chất làm ô nhiễm nguồn nước cấp khi thải vào cống rãnh mà chưa được xử lý. Thứ ba, khi quăng vào rác, các chất thải có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân vệ sinh hoặc chúng có thể diễn ra các phản ứng hóa học trong xe chở rác hoặc trong lòng bãi rác.
Trước tình trạng này, TS Lê Văn Khoa cho rằng: “Nếu mỗi hộ gia đình điều chỉnh hành vi, có thể giúp giảm lượng rác độc hại thải ra môi trường rất nhiều”. TS Khoa đưa ra các khuyến nghị như: Người tiêu dùng hết sức hạn chế mua các sản phẩm có thể trở thành rác độc hại; mua các loại mỹ phẩm có nguồn gốc sinh học thay vì nguồn gốc hóa học, ví dụ như đối với dầu gội thì dùng nước bồ kết, hoa lá cây cỏ; sử dụng các chế phẩm trừ sâu có nguồn gốc vi sinh không gây hại cho môi trường và sức khỏe con người... Không chỉ thế, người tiêu dùng có thể chọn các thiết bị điện tử, điện lạnh tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm có dán nhãn sinh thái (eco-label) và đặc biệt chú trọng sử dụng các sản phẩm không có kim loại gây độc như chì, thủy ngân...
Giảm xài hóa chất
Bạn đã làm gì để giảm rác thải - giảm ô nhiễm môi trường? Hãy chia sẻ kinh nghiệm với mọi người. Báo Người Lao Động chào đón mọi ý kiến đóng góp của bạn. Thư từ xin gởi về Tòa soạn Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, quận 3 – TPHCM hoặc email: khoagiao@nld.com.vn. Trân trọng cám ơn. |
Ngoài ra, giấy vệ sinh có màu trắng tinh và hương thơm được chú ý nhiều hơn đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự thật là giấy càng trắng càng phải qua nhiều công đoạn tẩy trắng bằng chất tẩy và sử dụng nhiều nước nên thải ra môi trường nhiều nước thải độc hại hơn. Nếu suy xét kỹ, thực tế, yêu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm này chỉ là tính năng làm sạch (lau, chùi) và yêu cầu là bảo đảm vệ sinh (tiệt trùng) là đủ. Ở nhiều nước, người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng giấy vệ sinh sản xuất từ bột giấy không tẩy trắng và không tẩm hương liệu để bớt gây hại cho môi trường hơn.
Quay lại với "nếp cũ"
“Không chỉ biết mua sắm sao cho có ích cho bản thân, cho môi trường mà đối với những sản phẩm đang có hoặc đã qua sử dụng, người tiêu dùng cũng cần biết cách đối xử khôn ngoan”- TS Lê Văn Khoa nhận định. Biết tận dụng các sản phẩm cũ đã hư bằng cách sửa chữa thay vì bỏ đi và mua cái mới cũng giúp bớt đi một lượng rác đáng kể ra môi trường. Điều này rất thích hợp với các loại sản phẩm bằng điện tử, bình đựng hóa chất, túi xách...
Sử dụng nhiều lần một chiếc túi để đựng đồ khi mua hàng là thói quen của các bà, các chị từ rất lâu đời. Tuy nhiên, ngày nay người ta lại bị cuốn theo lối sống tiện dụng nhưng gây hại cho môi trường. “Đi chợ về, túi xốp lớn, túi xốp nhỏ lần lượt đi vào thùng rác, dẫn đến lượng rác càng ngày càng tăng từ các hộ gia đình trong đô thị lớn”- thạc sĩ Đỗ Hoàng Oanh nhận xét.
Theo Thanh Lê / Người Lao Động
Bình luận (0)