Giám sát hậu chất vấn

13/06/2017 06:55 GMT+7

Tuần này, Quốc hội sẽ dành 3 ngày (13, 14 và 15.6) cho nội dung chất vấn các thành viên Chính phủ, với 4 nhóm vấn đề đều là những vấn đề nóng thời gian qua: Về nông nghiệp, nông thôn; Nhóm vấn đề về đầu tư; Nhóm vấn đề về y tế và nhóm vấn đề về văn hóa.

Việc đổi mới hoạt động chất vấn tại Quốc hội (QH) các kỳ họp gần đây được đánh giá cao, không chỉ vì giúp thể hiện được sự toàn diện của các vấn đề mà nó cũng là nơi thể hiện được bản lĩnh, trách nhiệm của các bộ trưởng, thành viên Chính phủ.
Kỳ họp nào cũng nêu lại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tội phạm, an toàn giao thông, được mùa mất giá, được giá mất mùa, lãng phí, tham nhũng trong bộ máy công quyền... nhưng chưa tạo được những thay đổi mạnh mẽ trong thực tế. Sự phối hợp của các bộ, ngành trong công tác thực hiện nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn chưa rõ ràng. Nghị quyết thì có nhưng cần thiết có chế tài để buộc các lãnh đạo ngành phải thực hiện đầy đủ theo tinh thần nghị quyết.
Khi QH thấy rằng, câu chuyện liên quan đến trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện (từ đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt và thực hiện) đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương (được chất vấn tại kỳ họp thứ 2, tháng 11.2016) là vấn đề đặc biệt quan trọng, thì tại kỳ họp này, các đại biểu (ĐB) QH nên quay trở lại yêu cầu Bộ trưởng Công thương báo cáo kết quả những hứa hẹn giải quyết của ông. Hay như lời hứa về các giải pháp kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường của Bộ trưởng TN-MT cũng cần được tường minh trước QH. QH cũng có thể dành thời gian hoặc “bật đèn xanh” cho các ĐBQH giám sát xem các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới tổ chức thi cử theo lộ trình, không tạo áp lực cho nhân dân... của Bộ trưởng GD-ĐT nói tại kỳ họp thứ 2 có đang đi đúng cam kết hay không?
Một khi các ĐBQH có điều kiện để giám sát và đưa ra trước QH những bằng chứng chứng minh rằng, cam kết của Bộ trưởng Nội vụ về việc công khai, minh bạch việc tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức chỉ là lời hứa suông, thì khi đó hoạt động chất vấn càng mang lại hiệu quả thực chất.
Giám sát hậu chất vấn phải được xem là thước đo chỉ số tín nhiệm của các ĐBQH, của cử tri với các thành viên Chính phủ mới hy vọng những cam kết chính trị tại QH trở thành hiện thực để thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.