Giám sát phải gặp dân trước, “quan” sau

09/11/2012 03:00 GMT+7

Thảo luận tại nghị trường sáng qua, 8.11 về chương trình giám sát của Quốc hội (QH) năm 2013, nhiều ĐBQH đề nghị bổ sung giám sát chuyên đề xử lý nợ xấu ngân hàng, nợ các tập đoàn, tổng công ty (TĐ-TCT) nhà nước và đặc biệt, khi giám sát ở địa phương phải “vi hành” gặp dân trước rồi mới gặp “quan”.

Giám sát phải gặp dân trước, “quan” sau
ĐB Trần Du Lịch phát biểu tại nghị trường - Ảnh: Ngọc Thắng

Đề nghị giám sát xử lý nợ xấu

 

Hôm nay (9.11), QH sẽ thảo luận cả ngày tại hội trường về dự luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Nội dung thảo luận sẽ được tường thuật trực tiếp trên sóng VOV 1 của Đài tiếng nói Việt Nam và kênh VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam.

N.M

Trong chương trình giám sát dự kiến trình tại QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Ủy ban TVQH đề xuất các ĐB thảo luận để chọn ra 2 trong số 3 chuyên đề, gồm: Việc thi hành luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012; và Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giai đoạn 2006 -2012.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐB TP.HCM) đề nghị bổ sung thêm giám sát chuyên đề về công nợ của các TĐ-TCT nhà nước vì theo ông Nghĩa, vấn đề này vừa qua nói nhiều, chất vấn nhiều nhưng nhiều chuyên gia và nhiều cử tri cho rằng, thực ra tình hình nợ của các TĐ-TCT không được báo cáo một cách trung thực và đầy đủ, những con số thống kê biết nói rất kém. Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của QH Trần Thị Quốc Khánh đề nghị giám sát quá trình xử lý nợ xấu trong năm tới, bởi theo bà Khánh, vấn đề nợ xấu, hàng tồn kho đang là vấn đề nhức nhối, bức xúc và tác động đến sức khỏe của toàn bộ nền kinh tế, của các tổ chức doanh nghiệp đến từng gia đình và mỗi người dân, từ đó ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội và tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn khó lường.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng tán thành kiến nghị của các ĐBQH về việc cần “tiến hành giám sát chuyên đề về lĩnh vực quản lý giá, nhất là đối với giá xăng, dầu để làm rõ việc lỗ thật hay lỗ giả, lãi thật hay lãi giả; việc giá lên nhanh xuống chậm, vấn đề thao túng thị trường”.

Phải gặp dân

Để giám sát của QH thời gian tới thực chất, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch đề nghị, cơ cấu thành viên của các đoàn giám sát không cần đông nhưng phải tinh, không giám sát theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Đồng thời, phải bớt thành phần quan chức, các bộ, ngành đi theo mà tăng các chuyên gia độc lập, những người am tường để tham gia tư vấn cho đoàn giám sát, cho ĐBQH.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa thì cho rằng QH nên thay đổi hình thức giám sát, bằng cách đi “vi hành”, nghĩa là gặp dân trước, gặp “quan” sau. “Trước khi giám sát, cần có cách nào đó để cử tri họ gửi những thông tin, những gợi ý, phản ánh, có kênh nào đó để tiếp nhận ý kiến phản ánh của dân, trên cơ sở thông tin ban đầu ấy, QH sẽ tính cách giám sát thế nào”, ông Nghĩa nói.

Lo khoa học công nghệ tiêu không hết tiền

Thảo luận tại tổ về dự luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), nhiều ĐB quan tâm đến cơ chế tài chính cho KHCN. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng mức đầu tư 2% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm dành cho KHCN là chưa xứng tầm với lĩnh vực đòi hỏi đầu tư cao này; đó là chưa kể kinh phí đầu tư cho nghiên cứu luôn trong tình trạng chậm cấp phát. Tuy nhiên, cũng không ít ĐB tỏ ra lo ngại: mặc dù mức đầu tư còn thấp như vậy nhưng thực tế đáng buồn là nhiều địa phương không thể tiêu hết nguồn ngân sách hạn hẹp ấy. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) phát biểu: “Khi chúng tôi đi giám sát, 2% ngân sách cho KHCN nhiều địa phương không tiêu hết, hỏi về những đề tài ứng dụng vào thực tiễn thì lúng túng. Tôi cho rằng, mức đầu tư tuy ít mà chi tiêu không hiệu quả thì cũng là một lãng phí lớn của đất nước”, ĐB Hường nói.

GDP năm 2013 khoảng 5,5%

Với tỷ lệ 91% số ĐB biểu quyết thông qua, hôm qua (8.11), QH đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 với hai mục tiêu quan trọng nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giữ ở mức dưới 8% và tăng trưởng kinh tế (GDP) khoảng 5,5%. QH cũng quyết định giao Chính phủ giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, và giữ bội chi ngân sách không quá 4,8% GDP.

Mục tiêu tổng quát trong 2013, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.

Từ nay đến cuối năm, QH yêu cầu Chính phủ tập trung chỉ đạo giải quyết hàng hóa tồn kho và nợ xấu, đặc biệt là sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng, căn hộ nhà chung cư. Các ngân hàng thương mại (NHTM), trước hết là NHTM nhà nước và NHTMCP nhà nước nắm quyền chi phối phải chia sẻ và tham gia tháo gỡ khó khăn cùng với doanh nghiệp...

Anh Vũ

Bảo Cầm - T.Nguyễn

>> Tiếp tục thảo luận tình hình kinh tế - xã hội 2012, kế hoạch 2013
>> Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội: Không thể chậm trễ hơn nữa
>> Quốc hội thảo luận tại tổ: Sốt ruột trước tốc độ giải cứu kinh tế
>> UBTVQH thảo luận tình hình kinh tế: Không có tiền lấy gì đi chợ ?
>> Thảo luận nhiều vấn đề quan trọng với những quyết sách mới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.