15 dược liệu có nguy cơ bị giả mạo, kém chất lượng
Theo Bộ Y tế, mới đây, một số địa phương có phản ánh khả năng cung ứng của một số đơn vị tham gia gói thầu tập trung quốc gia không cung ứng đủ thuốc. Nguyên nhân không cung ứng đủ, kịp thời do một số thuốc nhập khẩu từ châu Âu bị ảnh hưởng nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất, quá tải và đứt gãy chuỗi cung ứng nên kế hoạch sản xuất từ nhà sản xuất bị thay đổi. Lạm phát và một số biến động chính trị tại châu Âu cũng làm ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu và giá thành cũng như kế hoạch sản xuất thuốc.
Ngoài ra, một số thuốc chậm cung ứng cho bệnh viện do có số đăng ký hết hạn ngày 31.12.2022, mới được gia hạn, bắt đầu được đặt hàng sản xuất từ tháng 2 năm nay, cần có thêm thời gian thực hiện các thủ tục nhập hàng và giao hàng. Một số cơ sở y tế quá chậm trễ trong việc thanh toán công nợ với nhà thầu nên nhà thầu dừng cung ứng thuốc.
Để đảm bảo nguồn cung, Bộ Y tế đã đề nghị các nhà thầu trúng thầu khẩn trương rà soát, làm việc với nhà cung cấp đẩy nhanh tiến độ cung ứng các mặt hàng trúng thầu và cam kết đảm bảo cung ứng mặt hàng trúng thầu; có trách nhiệm cung ứng thuốc thay thế cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng nếu có yêu cầu, không để thiếu thuốc cho nhu cầu khám, chữa bệnh của cơ sở y tế.
Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị liên quan cập nhật liên tục danh sách các nhà sản xuất, nhà thầu cung ứng thuốc đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và uy tín để phục vụ cho công tác lựa chọn nhà thầu. Bộ Y tế đã giao Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia thường xuyên kiểm tra, giám sát vi phạm của nhà thầu và báo cáo vi phạm nhà thầu gửi cấp có thẩm quyền giải quyết.
Liên quan đến chất lượng dược liệu trong khám chữa bệnh y học cổ truyền, đại diện Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết trong năm 2022 có 2.224 mẫu dược liệu được lấy mẫu kiểm tra chất lượng, qua đó phát hiện 85 mẫu dược liệu (3,82%) không đạt tiêu chuẩn chất lượng, giảm hơn so với các năm trước đó (2017 và 2018 tỷ lệ mẫu dược liệu không đạt là 11,08% và 5,7%).
Cục Quản lý y, dược cổ truyền đã có công văn yêu cầu hệ thống kiểm nghiệm tập trung lấy mẫu 15 dược liệu có nguy cơ giả mạo, kém chất lượng, bao gồm: sinh địa, ngưu tất, tần giao, hà thủ ô đỏ, hiên ma, đương quy, mộc hương, đại hoàng, khương hoạt, hoàng kỳ, nhân sâm, tam thất, bạch truật, hy thiêm, diệp hạ châu.
Để đảm bảo chất lượng dược liệu, các dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền nhập khẩu phải có giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của từng lô dược liệu (giấy C/O) do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp và phiếu kiểm nghiệm dược liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng. Với dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền trong nước đơn vị cung cấp phải có bản cam kết nuôi trồng, thu hái trong nước hoặc giấy chứng nhận đạt thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu, khai thác dược liệu tự nhiên (GACP) và phiếu kiểm nghiệm dược liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Bình luận (0)